Người dân Bình Định bảo, tré là món ăn đậm hương vị đồng quê, dân dã nhưng lại hội tụ đầy đủ ngũ vị chua, cay, mặn, ngọt và chát nhẹ của lá ổi.
Tré là món ăn gia truyền góp mặt trong mâm cỗ mọi nhà mỗi dịp đám tiệc, Tết đến xuân về ở Bình Định.
Đặc sản tré Bình Định có từ rất lâu, nhưng cho đến ngày nay chưa có một tài liệu ghi chép cụ thể nào về nguồn gốc xuất hiện của tré. Chỉ biết rằng, ở tỉnh Bình Định, tré trở thành một trong những món ăn gia truyền góp mặt trong mâm cỗ mọi nhà mỗi dịp đám tiệc, Tết đến xuân về và đặc biệt là trên bàn nhậu của "đấng mày râu".
Tré là món ăn hội tụ đầy đủ ngũ vị chua, cay, mặn, ngọt và chát nhẹ của lá ổi
Món tré Bình Định có hình thức mộc mạc được gói lớp cuối cùng là rơm khô, buộc chặt 2 đầu, bên trong là phần thịt. Đây là món ăn hội tụ đầy đủ ngũ vị chua, cay, mặn, ngọt và chát nhẹ của lá ổi.
Để làm tré đạt chất lượng nhất, người làm phải chọn loại thịt đầu heo và thịt ba chỉ heo tươi, sạch. Thịt đầu gồm phần tai, mũi, miệng cùng với thịt ba chỉ được sơ chế khử mùi bằng muối trắng, sau đó luộc chín.
Trong lúc luộc thịt, người làm chuẩn bị một tô nước đá thật lạnh. Khi thịt chín, vớt thịt vào tô nước lạnh ngay. Mục đích của việc này là để thịt được giòn hơn và sau khi lên men, tãi ra để tré không bị đóng dính lại với nhau. Sau đó, các loại thịt nói trên được cho ra rổ để ráo nước, rồi tiến hành thái thành lát mỏng.
Tai heo là một phần nguyên liệu không thể thiếu để làm nên đặc sản tré Bình Định.
Đem hỗn hợp thịt đã thái mỏng trộn đều với các gia vị như: tỏi, mì chính, đường, nước mắm, muối, hạt mè… theo tỷ lệ thích hợp. Đặc biệt, công đoạn này không thể thiếu gia vị riềng, thứ nguyên liệu góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn. Cần chọn củ riềng không quá già cũng không quá non, sau đó đem cạo vỏ, loại bỏ đất cát rồi rửa sạch, thái sợi chỉ rồi mới trộn với thịt.
Khâu gói tré được xem là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Sau khi hỗn hợp thịt ngấm gia vị, người làm gói tré trong lá ổi già, rồi bọc thêm lớp nilon. Sau đó, lấy một nắm rơm, cột chặt một đầu, để rơm xòe đều rồi đặt tré vừa gói vào giữa sao cho các sợi rơm phủ đều bên ngoài. Cuộn rơm lại, cột dây bên ngoài bằng lạt tre hay dây nhựa, rồi túm chặt buộc đầu còn lại. Dùng kéo cắt rơm thừa sao cho 2 đầu tré dài bằng nhau để tăng tính thẩm mỹ của tré.
Người ta thường ăn kèm với bánh tráng (có nơi gọi là bánh đa) và các loại rau sống chấm cùng với nước mắm giã với ớt tỏi.
Ở đây, người làm chọn lá ổi gói tré là những lá già để mùi thơm đậm hơn. Từng lá được rửa kỹ càng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần rơm khô lấy từ thân lúa, được tuyển chọn kỹ lưỡng, chỉ giữ lại những sợi suôn óng. Vì vậy, phần rơm vẫn giữ được mùi thơm man mát của lúa chín.
Sau khi gói xong, tré được lên men tự nhiên, sau 2 - 3 ngày thì chín, bắt đầu có vị chua nhẹ, dậy mùi thơm nồng của riềng, tỏi là dùng được. Khi ăn, người ta sẽ lột lớp vỏ rơm và nilon bọc bên ngoài, dùng đũa đánh tơi tré rồi bày ra đĩa. Lá ổi được giữ lại để ăn kèm với thịt tré.
Tré Bình Định chẳng phải món ăn gì cao sang, nó dân dã và bình dị ngay từ vẻ bề ngoài cho đến nguyên liệu. Có lẽ bởi vậy mà cách thưởng thức món này cũng vô cùng đơn giản. Người ta thường ăn kèm với bánh tráng (có nơi gọi là bánh đa) và các loại rau sống chấm cùng với nước mắm giã với ớt tỏi.
Món tré có thể để trong ngăn mát tủ lạnh hàng tháng mà hương vị vẫn vẹn nguyên.
Với "đấng mày râu", dùng tré làm mồi nhâm nhi nhắm rượu, bia thì tuyệt hảo. Khi thưởng thức tré, phần thịt kết hợp với mùi đặc trưng của lá ổi và mùi thơm lúa chín của phần rơm tạo nên một món ăn mang hương vị đồng quê mộc mạc, chân chất.
Món tré có thể để trong ngăn mát tủ lạnh hàng tháng mà hương vị vẫn vẹn nguyên. Vậy nên du khách có dịp ghé Bình Định thường mua tré về làm quà cho người thân, gia đình.
Nguồn Tin: