Dù không phải là đặc sản nhưng nhắc đến cháo lươn nấu môn, nhiều người con miền Tây sông nước luôn nhớ. Cháo lươn nấu môn, món ăn bình dị nhưng tràn đầy ký ức tuổi thơ.
Ảnh minh họa
Ven các con sông, con rạch miền Tây rất dễ để bắt gặp những đám cây mà người ta thường gọi với cái tên môn nước. Loại cây cỏ tưởng chừng bỏ đi vì tính ngứa lại có thể đem về căn bếp nhỏ chế biến ra nhiều món ăn ngon đến lạ. Môn nước được xem như loại rau đồng rất sạch sẽ và bổ dưỡng cũng như đã thân thuộc với cuộc sống của bà con nơi thôn dã bao thế hệ nay.
Cây môn nước có tính ngứa nên cần lựa chọn cẩn thận, tuy nhiên kinh nghiệm từ thời cha ông đã chỉ dạy để con cháu đời sau tìm được những bụi môn thật ngon, nhất là loại môn đắm mình trong đồng nước quê sẽ có vị ngọt mát đặc trưng.
Nhớ thuở nhỏ, đi dọc trên con đường đến trường gặp biết bao nhiêu bụi môn với những tàu lá thiệt bự, lũ trẻ chúng tôi mưa nắng đều tranh nhau tìm lá môn bự hơn của bạn mình rồi lấy đội đầu bất kể nắng mưa. Ký ức tuổi thơ cùng chiếc dù là điều quá xa xỉ, thay vào đó, chính những tàu lá môn đã rong ruổi cùng đi học về.
Kỷ niệm về cây môn là những "chiếc dù" tự nhiên có, là những món ăn dân dã từ bàn tay mẹ như dưa môn muối chua. Nghe thấy đơn giản vậy đó nhưng giờ đâu phải mỗi lúc dễ dàng ăn lại được món ăn ngày đó. Tuổi thơ trên đất đồng nước sông đẹp biết bao, hương vị món ăn ngày xa xưa đủ làm nao lòng biết bao người con xa xứ.
Không đừng lại ở sự bình dị đơn điệu ở món dưa môn nữa, cây môn đã có mặt trong món ăn độc đáo, lạ miệng hơn và đủ sức hấp dẫn đối với mọi du khách có dịp ghé ngang miền Tây khi thưởng thức ngay món lươn nấu môn ở đây. Ở miệt Cửu Long này, ông bà xưa đã tìm ra bí quyết trừ mủ ngứa của loại rau này và chế biến ra món cháo thanh mát, lạ miệng là món cháo lươn. Và có lẽ thứ lươn đồng là thứ duy nhất mà cây môn có thể kết hợp.
Ảnh minh họa
Cháo lươn môn là một món ăn dân dã, thanh mát, lạ miệng và cực kỳ dinh dưỡng không chỉ đối với người già mà còn cả trẻ nhỏ, nhất là trong những ngày thời tiết oi bức của mùa hè ở xứ miệt vườn. Nhắc đến lại thèm món cháo quê ngon lành qua bàn tay của nội, của mẹ. Nồi cháo tưởng như bình thường lại được các bậc lão niên tin rằng có tác dụng đẩy được những chất độc tích tụ từ bên trong cơ thể ra ngoài giúp sức khỏe tốt hơn.
Cháo lươn môn có thể nấu cả với bẹ môn, ngó môn và cả củ khoai môn hay khoai cau. Tô cháo xen lẫn vị ngọt dai từ lươn đồng cha đánh, cái giòn giòn của bẹ môn ngó môn cùng vị bùi béo bởi khoai môn được làm khéo léo từ bàn tay mẹ.
Bẹ môn và ngó môn sau khi làm sạch sẽ cắt khúc vừa ăn để ráo nước. Khoai môn (khoai cau) đem gọt vỏ, rửa sạch rồi xắt miếng vuông vừa ăn cỡ chừng quân cờ. Lươn cũng vậy, sơ chế sạch sẽ rồi sắp sẵn ra đó. Cháo lươn môn thơm ngon và đỡ ngán hơn khi nấu bằng gạo rang. Bắt nồi nước lên bếp, gạo rang xong sẽ đổ vào nấu khoảng 15 phút cho nở. Tiếp đến bỏ khoai môn vào nấu cùng cho mềm. Lươn mau chín nên chỉ cần để khoảng 10-15 phút là được, gắp ra chia phần xé thịt, phần cắt khúc cho dễ gắp hoặc để cả con cũng đều ngon.
Ảnh minh họa
Bẹ môn và ngó môn được cho vào sau khi đã gắp lươn ra, mỗi nắm môn cho vào nồi nên dùng vá hoặc đũa nhấn xuống để ngấm nước, ngấm cái nóng hổi của cháo sẽ mềm ra, chín ngon hơn. Để cho thêm phần mặn mòi của quê hương, có nhà dùng mắm ruốc, có nhà lại dùng mắm bò hóc,... xào qua với tỏi đã phi vàng để dậy lên hương vị nồng nàn, rồi múc vào nồi cháo đảo chung cho quện. Cũng có những người muốn giữ vị ngọt nguyên sơ của cháo lươn nên không cho mắm mà để vậy ăn luôn.
Cháo lươn nấu xong có thể để ăn theo kiểu lẩu hoặc múc ra từng tô cho mọi người. Còn gì tuyệt vời hơn khi buổi chiều quê trong cơn mưa rả rích, cả gia đình quây quần bên nồi cháo lươn môn còn nghi ngút khói thơm nồng mùi tiêu cùng hương của thật nhiều hành lá và rau ngò ôm xắt nhuyễn. Dĩa lươn được chan đẫm nước mắm sả ớt the the, nồng nồng.
Húp miếng cháo nóng, gắp miếng lươn đậm đà tê cay cảm nhận hết được hương vị ngọt, mặn, đắng, cay cùng hòa với nhau. Chén cháo chất chứa cả bầu trời tuổi thơ, ký ức về những lá môn buổi trưa nắng hè. Nhớ về những lần quấn nội, quấn mẹ dưới căn bếp nhỏ đến vướng víu chân tay. Nhớ đến lúc theo cha đánh ống lươn mà chẳng giúp được gì nhiều, mùi khói bếp bình dị như xộc cay khóe mắt...
Nguồn Tin: