Không biết từ bao giờ!? Món cá Nục nướng quê tôi trở thành món ăn đầu tiên trên mâm cơm như chỉ để dành riêng cho những đứa con xa xứ trở về thăm quê cũ. Dẫu biết rằng nghề nướng cá quê tôi từ rất xưa đã đi vào huyền thoại, tốn bao nhiêu giấy mực của các phóng viên, đài báo với câu nói nghe như lắng động lòng người
Ảnh do tác giả cung cấp
" Sướng như ăn cá nướng Lộc Hà"
Vâng! Quê tôi đó nơi cuối con sông Nghèn đổ về với biển qua cửa Sót, nơi có cảng cá Thạch Kim sầm uất với ghe thuyền tấp nập vào ra. Và nơi đó là những làng nghề nướng cá truyền thống của một vùng Hà Tĩnh!
Gọi là làng nướng cá nhưng thực ra từ Thạch Kim dọc theo Tỉnh lộ 9 cho đến cầu Hộ Độ mỗi nơi chỉ có vài chục hộ làm làm nghề nướng cá mà thôi! Chắc cũng là do cái nghề với bao vất vả, dậy sớm thức khuya. Suốt ngày với khói bụi than hồng trong cái nắng nóng của từng cơn gió Lào mùa Hạ nên cũng ít ai lựa chọn nghề này!
Nhớ về những ngày còn nhỏ, mỗi lần cứ đến chợ phiên thì thỉnh thoảng mẹ tôi cũng ráng cho cả nhà được một vài con cá nướng, nhưng mà chỉ là những loài cá nhỏ thôi như cá Trích, cá Lẹp để kẹp lá mưng hay cá Cơm ăn kèm rau sống... Còn các loại như cá Chim, cá Thu, cá Nục ... Thì với cái lý lịch " Thành phần gia đình " bần nông", thành phần bản thân " phụ thuộc"" như chúng tôi đó là điều xa xỉ! Họa hoằm lắm may ra chỉ được thưởng thức vào dịp lễ Tết hay giỗ chạp mà thôi!
Lớn lên trong vất vả nên tầm 15,16 tuổi! Trong những ngày nghỉ học tôi thường theo các anh chị trong làng lên mạn ngược để mua than củi ( quê tôi gọi than hoa đó nhé vì có thể đôi lúc khi đốt lên nó tóe ra như những bông hoa lửa) về bán lại cho những người nướng cá hay là một ai đó đang cần. Và cũng từ đây sau những cuộc chuyện trò thì tôi mới biết thêm về những bí quyết và cả sự gian nan của nghề nướng cá!
Để có được những mẻ cá nướng thật ngon thì đầu tiên đó là chọn được nguyên liệu từ những con cá còn " tươi roi rói", nên tầm 3- 4 giờ sáng trong bóng tối mờ sương, những người làm nghề đã phải ra nơi bến cảng, đón những con tàu khai thác hải sản trên vùng biển ngang của Hà Tĩnh trở về. Những con cá được cấp đông ngay sau khi đánh bắt nên tươi xanh như màu của biển khơi vậy!
Mua được cá người làm nghề nhanh chóng mang về sơ chế, móc bỏ ruột, mang cá và để cho ráo nước. Họ dùng một thanh tre tương đương với với chiếc đũa ăn xuyên thẳng theo thân cá để định hình. Trước khi nướng họ thường dùng dao rạch nhẹ những vết ngang, vết chéo ngang thân hay một đường sâu hơn từ mang đến đuôi con cá. Lý giải điều này cũng không có gì là lạ, vì theo giải thích thì nó được chín đều hơn!
Công đoạn nướng cá truyền thống cũng là cả một bí quyết, đòi hỏi tay nghề với kỹ thuật cao vì chỉ nướng thủ công. Bếp nướng vô cùng đơn giản chỉ với hai thanh sắt dài độ chừng một mét, được gối hai đầu với một khẩu độ cao nhất định. Tay họ thoăn thoắt trở cá trên một nền than hoa đỏ hồng nơi sáng sớm, để kịp cho những thực khách đầu tiên thưởng thức hay những chuyến xe đường xa.
Một mẻ cá với thời gian chỉ khoảng 15 phút là chín, những con cá nóng hổi, không tẩm ướp bất cứ gia vị gì thêm nên vẫn luôn giữ được vị ngon ngọt của tự nhiên cũng như vị mặn mà của biển cả.
Ngày nay! Cá Nục nướng quê tôi đi vào các nhà hàng như những món ăn dân dã, quấn bánh tráng ăn kèm rau sống... Hay trong hành trang của những chuyến bay Quốc tế và nội địa, xuôi ngược Bắc - Nam trên những chuyến xe, tàu và theo chân những những người xa quê như những món quà bình dân nhưng vô cùng đáng quý!
Còn riêng tôi! Lại có thêm một điều vui giản dị trong những chuyến về thăm quê cha, đất mẹ. Đó là gặp lại bạn học, bạn bè đồng niên, đồng ngũ trong buổi chiều nắng tàn ở nơi ven đê, bãi cỏ hay trên những con thuyền với một vài con " cá Nục nướng than hoa" và vài ly rượu quê nhà tự nấu, hàn huyên thâu đêm tâm sự chuyện đời thường.
Nguồn Tin: