- Bullet journal là gì được nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu. Thực chất, bullet journal là một phương pháp ghi ghép khoa học, hỗ trợ chúng ta quản lý thời gian, nâng cao hiệu quả làm việc.
Đối với những người thích viết lách và ghi chú thì chắc hẳn bạn sẽ rất bị thu hút bởi một loại nhật ký có “tạo hình” rất mới mẻ mang tên Bullet Journal hay còn được viết tắt là Bujo. Bullet Journal gây ấn tượng nhờ cách ghi chép các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn, các kế hoạch, danh sách công việc cần làm khoa học, tạo cảm hứng để người sử dụng nó làm việc hiệu quả hơn. Hãy cùng tìm hiểu về Bullet Journal ngay sau đây nhé!
Bullet journal là gì?
Bullet Journal là một hệ thống ghi chép, trong đó tuân theo các quy định mở. Hệ thống ghi chú này giúp bạn ghi chép hiệu quả, quản lý công việc, học tập, vui chơi một cách dễ dàng. Bullet Journal không phải là một cuốn sổ tay thật mà nó chỉ là phương pháp ghi chép trên sổ tay bằng hiệu ứng giấy trắng được kết hợp với các gạch đầu dòng, những kí hiệu để minh họa, đánh dấu (chẳng hạn như hình vuông, chấm tròn…) nhằm tạo ra sự khác biệt trong việc phân loại.
Bullet Journal là một kết quả nghiên cứu của nhà thiết kế web Ryder Carroll dựa trên các ghi chép hàng ngày của ông. Có thể nói, đây là phương pháp quản lý bản thân vô cùng hiệu quả nhờ sự kết hợp giữa việc ghi chép truyền thống và sử dụng các kí hiệu đặc trưng. Dù bạn đang làm ngành nghề gì, hoạt động trong lĩnh vực nào thì cũng có thể sử dụng Bullet Journal như một công cụ để quản lý và phát triển bản thân, nhất là những người trẻ.
Mặc dù trong thời đại 4.0 hiện nay, có rất nhiều các app ghi chú trên điện thoại thông minh nhưng Bullet Journal vẫn rất được ưa chuộng. Đó là bởi cách viết truyền thống sẽ kích thích không ngừng khả năng tư duy và phát triển của trí não. Khi mở cuốn sổ tay được ghi chép bằng phương pháp Bullet Journal ra, bạn sẽ thấy các kế hoạch trong năm, tháng, tuần, ngày, sở thích, những gì bạn quan tâm… một cách ngắn gọn, súc tích nhất
Sử dụng Bullet Journal hàng ngày sẽ tập cho bạn thói quen ghi chú, kiểm soát những điều cần thiết một cách ngắn gọn, khoa học. Ví dụ đơn giản, nếu trong tháng tới mà bạn đi du lịch, Bullet Journal sẽ hỗ trợ bạn ghi chép những phụ kiện, vật dụng, hay các món ăn để bữa tiệc chỉn chu hơn
Bullet journal cần những gì? Những dụng cụ cần để làm Bullet Journal ấn tượng
Với những ưu điểm vượt trội của phương pháp Bullet Journal, chắc chắn các bạn sẽ muốn biết và muốn có cho mình một cuốn sổ Bullet Journal. Những dụng cụ cần để làm Bullet Journal ấn tượng đơn giản như sau:
1.Sổ tay
Dụng cụ đầu tiên không thể thiếu để thực hiện Bullet journal chính là một cuốn sổ tay, tùy theo sở thích của bạn. Tuy nhiên, để việc ghi chép thoải mái diện tích thì bạn không nên mua những cuốn sổ quá nhỏ. Mặt khác cũng không nên mua sổ quá to để việc mang theo bên mình thường xuyên, đựng trong túi xách không quá cồng kềnh.
Khổ giấy được ưa chuộng nhất là A5, để bạn vừa có thể ghi chép được nhiều nội dung, lại nhỏ gọn, cơ động. Ưu tiên mua các loại sổ được đánh số trang và có những tờ Index trống. Một số loại sổ thông dụng để làm Bullet journal là: sổ planner, sổ dotgrid, sổ còng…
2. Bút làm Bullet journal
Nếu là người mới làm quen với Bullet journal thì bạn cũng chưa cần đầu tư vào quá nhiều loại bút. Hãy bắt đầu tạo thói quen với việc vẽ và ghi chép trước đã.
Bước đầu, để làm cho cuốn sổ của mình thu hút hơn thì có thể sử dụng những bút cơ bản như: bút highlight, bút gel.
Khi sử dụng thành thạo Bullet journal rồi, có thể mua thêm các loại bút khác như: bút brush, bút marker đậm màu phục vụ cho việc trang trí sổ sao cho đẹp mắt, nghệ thuật hơn
3.Một số dụng cụ trang trí khác
Để sở hữu cho mình một cuốn sổ Bullet journal thật nổi bật và ấn tượng, ngoài sổ tay, bút, bạn có thể dùng Washi tape, bút nhũ, bút màu, các sticker, giấy note…
Tùy vào sở thích, phong cách của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn những vật dụng trang trí sao cho phù hợp với sở thích của mình. Bạn sẽ thấy cuốn sổ của mình được nâng tầm hơn khi trang trí đấy
Bullet journal cho người mới bắt đầu
Có bao giờ bạn tự hỏi Bullet journal là gì rồi lại tự hỏi bắt đầu làm Bullet journal như thế nào không? Sau khi đã chuẩn bị những dụng cụ trên thì bạn đã có thể bắt tay vào làm ngay một Bullet journal cho riêng mình với những bước cơ bản sau:
1.Thiết kế mục lục - Bullet journal Index
Cũng như một cuốn sách, Index là trang mà bạn sẽ liệt kê các hạng mục với số trang tương ứng và thường Index sẽ nằm ở trang đầu tiên
Để có một Bullet journal khoa học, bạn phải giữ trang mục lục luôn rõ ràng. Nên đặt ở trang này những mục tiêu quan trọng hay những thứ bạn hay tham khảo nhất vì sổ của bạn sẽ nhanh chóng bị lấp đầy. Mục lục sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm đến những trang bạn muốn tìm mà không mất quá nhiều thời gian
2. Chọn từ khóa - Bullet journal Key
Key trong Bullet journal không cần quá phức tạp mà chỉ là những ký hiệu giúp bạn dễ dàng phân loại những công việc, sự kiện một cách rạch ròi.
Thông thường, Bullet journal Key sẽ là những biểu tượng, ký hiệu, màu sắc hoặc kết hợp chúng lại.
3. Tạo Nhật kí tương lai - Bullet journal Future Log
Mục này trong sổ tay sẽ dành cho những kế hoạch nổi bật, dài hạn mà trong năm nay, bạn sẽ lần lượt hoàn thành chúng
Bạn có thể viết những mục như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, chuyến đi xa sẽ đi trong hè, trong dịp lễ tết nào đó… Bước đầu, bạn chỉ cần viết đơn giản thôi, đó là ghi ra các tháng và liệt kê các sự kiện đi kèm
4. Tạo kế hoạch hàng tháng - Bullet journal Monthly planning
Ngắn hạn hơn là các kế hoạch hàng tháng của bạn. Nếu như bạn muốn sắp xếp và quản lý nhiều công việc hơn trong một tháng thì có thể tham khảo theo cách lịch truyền thống, với các số theo ngày và chữ ngắn gọn. Hoặc bạn có thể theo dõi các kế hoạch theo tháng của mình theo thói quen, sở thích
Muốn chi tiết, bạn có thể gạch đầu dòng những công việc mình cần hoàn thành trong tháng đó để tiện ghi nhớ và hoàn thành chúng
5. Tạo lịch hàng tuần - Bullet journal Weekly planning
Sẽ cụ thể, chi tiết hơn lịch hàng tháng chính là lịch hàng tuần của bạn. Việc lên kế hoạch theo tuần sẽ giúp bạn không bị quên hay bỏ xót những công việc quan trọng
6. Ghi công việc hàng ngày - Bullet journal Daily
Cuối cùng thì hãy liệt kê các công việc trong một ngày vào Bullet journal. Với những người bận rộn với hàng tá công việc phải nhớ mỗi ngày thì đây là một nguyên tắc giúp bạn quản lý thời gian, công việc hiệu quả nhé
8 sai lầm thì mới làm Bullet journal không phải ai cũng biết
1.Bị gò bó trong các set layout có từ trước
Các set layout có sẵn đúng là vừa tiện, vừa tiết kiệm thời gian nhưng với những người mới bắt đầu làm Bullet journal tự lên layout cố định thì đôi khi sẽ không cân đối được nội dung trên trang giấy. Chẳng hạn như có hôm nhiều việc thì 1 trang không đủ, có hôm ít việc thì 1 trang lại thừa nửa giấy
Hay Bullet journal của những người mới bắt đầu sẽ vẫn quen viết câu dài thì sẽ cần nhiều dòng hơn. Vậy nên, ban đầu, bạn hãy làm theo những bản đơn giản của Carroll Ryder. Sau khi quen hơn với phương pháp Bullet journal thì có thể tự cân đối khoảng giấy trống cần viết cho mỗi lần lên kế hoạch
2. Chọn nhầm size sổ
Chọn size sổ để làm bullet journal vô cùng quan trọng và nhiều người vẫn thường mắc sai lầm, nhất là những người mới bắt đầu
Nếu lựa chọn cuốn sổ quá nhỏ, bạn có thể cho nó vào túi đeo và mang đi bất cứ đâu nhưng lại không đủ giấy cho bạn viết gì, trang trí còn khó. Còn một cuốn sổ quá to, cồng kềnh thì lại khó mang theo mà cũng chỉ để ghi chú có đôi ba dòng, còn lại để giấy trắng, nhìn còn thấy áp lực hơn
Do đó, việc chọn sổ ngoài phụ thuộc vào sở thích thì cũng còn phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Khuyên bạn là hãy cứ thử một size sổ bất kỳ, thấy không phù hợp thì lại đổi sổ size khác rồi sẽ tìm được size phù hợp với mình.
3. Dùng điện thoại ghi chú
Mặc dù trên điện thoại cũng có các app take note hay nhắc nhở công việc nhưng mỗi khi động chạm đến điện thoại hay máy tính thì chúng ta lại khó tập trung vào công việc chính. Thường thì cứ đang làm được mấy phút chúng ta lại bị cuốn vào lướt facebook, tiktok hay youtube và một lúc sau ngẩng lên thì đã lãng phí cả tiếng đồng hồ
Bullet journal là cách giúp bạn hạn chế bị cuốn theo những thứ cám dỗ trên mạng, dành thời gian suy nghĩ cẩn thận về những gì mình đã làm được, về mục tiêu sắp tới của mình. Do đó, hãy dùng sổ và bút để ghi chép nhé
4.Sợ ghi sai, viết sai
Không giống như trên điện thoại chúng ta có thể xóa đi hay ctrl+z là xong, các cụ vẫn nói, “bút sa gà chết”, viết sai nếu sửa cách nào thì cũng vẫn thấy dấu vết và những người cầu toàn sẽ cảm thấy khá khó chịu.
Nhưng, bạn phải hiểu rằng, không có cuốn sổ nào mà tất cả các trang đều đẹp không tì vết như vậy đâu. Những cuốn sổ đẹp lung linh trên mạng xã hội là người ta đã chụp trang đẹp nhất đó.
Đừng sợ, cứ viết đi, viết sai thì làm lại trang khác. Dần dần, khi quen tay, bạn viết sẽ không sai nhiều đâu, yên tâm nhé!
5. Dùng nhiều sổ làm Bullet journal
Với những người mới bắt đầu thì họ hầu hết đều mắc sai lầm này. Họ nghĩ rằng sẽ không thể rạch ròi các công việc, học tập, vui chơi trong cùng một cuốn sổ nên đã viết mỗi loại 1 cuốn. Kết quả là phải lục tìm việc này ghi sổ nào, việc kia ghi sổ nào rất mất thời gian.
Lưu ý rằng, dù là công việc, kế hoạch gì thì cuối cùng chúng đều góp phần hỗ trợ cho bạn nên không cần phân chia quá rạch ròi. Chỉ nên dùng 1 cuốn sổ cho tất cả để tiện theo dõi bạn nhé!
6. Theo dõi quá nhiều thứ
Theo dõi thói quen trong Bullet journal có tác dụng rất tốt nhưng cũng có những tác dụng phụ nhất định cho những người mới bắt đầu.
Thói quen thì phải được hình thành dần dần nên bạn không thể liệt kê một loạt các thói quen cả cũ cả mới và theo dõi nó với hy vọng duy trì được lâu dài. Khi không duy trì được thì những gạch đầu dòng đó trở thành gánh nặng với bạn, có khi không muốn mở sổ ra vì lại nhìn thấy điều mà mình không làm được
Tốt nhất, chỉ nên bắt đầu với 1, 2 thói quen là nhiều nhất nhé!
7. Dành nhiều thời gian để trang trí
Với những người đã dùng phương pháp Bullet journal lâu năm thì việc trang trí, vẽ vời không thành vấn đề nhưng với những người mới bắt đầu, còn chưa hiểu được cốt lõi của hệ thống các danh mục thì việc trang trí sẽ rất mất thời gian
Thời gian mới đầu, bạn nên đặt nền móng trước cho việc ghi chép, hiểu được tính logic trong việc trình bày hệ thống các kế hoạch của mình. Việc trang trí, vẽ vời chỉ giúp bổ trợ cho các trang thêm sinh động thôi nhé!
8. Đặt quá nhiều áp lực cho bản thân
Đây là sai lầm của hầu hết những người làm Bullet journal chứ chẳng riêng gì những người mới bắt đầu. Hãy chỉ nên tập trung vào 3 - 5 task một ngày. Đừng viết thật nhiều nhiệm vụ rồi lại cố làm, không hoàn thành thì lại bị stress. Mà cố hoàn thành nhiều việc 1 ngày trong nhiều ngày liên tục thì rất dễ dẫn đến “lao lực” và bỏ cuộc.
Bullet journal như vậy sẽ không còn hiệu quả nữa đâu nhé!
Sử dụng Bullet journal như thế nào cho hiệu quả?
Bullet journal rất hay nhưng cũng khá phức tạp và khiến bạn không khỏi bỡ ngỡ. Vậy làm thế nào để sử dụng Bullet journal hiệu quả nhất? Dưới đây là một vài tip nho nhỏ, hãy cùng theo dõi nhé!
- Đầu tiên, đừng quên tạo mục lục (index). Có thể để trống vài trang đầu cho thoải mái cũng không sao
- Tiếp đến, tạo ngay nhật ký tháng hiện tại rồi điền vào đó các sự kiện sẽ có trong tháng
- Sau đó, mở trang trắng khác để ghi chép nhật lý hôm nay, viết ngày tháng ở trên cùng trang, ghi nhanh những sự kiện trong ngày, những công việc bạn cần hoàn thiện
- Luôn mang theo sổ trong túi xách, mở nó ra trong lúc bạn làm việc để tập trung hơn vào những việc cần làm. Từ đó có động lực hoàn thiện chúng nhanh chóng và tiếp tục thêm các ghi chú cần nhớ quan trọng khác trong quá trình làm việc.
- Đừng quên tạo nhật ký cho ngày hôm sau vào cuối ngày, chuyển các công việc chưa hoàn thành sang ngày mai để biết ngày mai mình phải làm gì nhé!
Trên đây là những tổng hợp giúp bạn hiểu được Bullet journal là gì, Bullet journal cần những gì, Bullet journal cho người mới bắt đầu và làm sao để sử dụng Bullet journal một cách hiệu quả. Bỏ túi ngay những thông tin trên nếu bạn thấy nó hữu ích cho mình nhé!
MIN (Tổng hợp)