(Tổ Quốc) - Bánh ép là món ăn vặt tuổi thơ của nhiều thế hệ, gắn liền với hình ảnh làng quê của vùng đất cố đô Huế.
Ở Huế mỗi khi nhắc đến bánh ép, người ta sẽ nghĩ ngay đến bánh ép Thuận An, tuy nhiên có một nơi bánh ép nổi tiếng ngon và đặc sắc không kém, đó chính là bánh ép Cầu Hai.
Khác với bánh ép Thuận An được chế biến với đặc trưng là thịt mỡ và trứng, ăn kèm với đồ chua ngọt, rau răm… Bánh ép Cầu Hai cũng với cách chế biến tương tự, lại có phần rau ăn kèm rất cầu kỳ là rau muống chẻ, dưa leo, giá, bắp chuối, xà lách và nước chấm đặc trưng là mắm nêm.
Bánh ép Cầu Hai, món ăn vặt tuổi thơ “gây nghiện”
Đầm Cầu Hai, nằm bên đường quốc lộ, chạy dài từ Cầu Hai đến chân đèo Phú Gia thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây có phá Tam giang mênh mông, dãy núi Bạch Mã hùng vĩ. Món bánh ép Cầu Hai cũng bắt nguồn từ nơi này.
Bánh ép Cầu Hai hay còn gọi là bánh ép mắm nêm Cầu Hai, bánh to khoảng bằng một bàn tay người lớn, bánh mới ép xong thì nóng hôi hổi, dẻo thơm.
Món bánh ép.
Chẳng biết món bánh ép có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thời ông bà đã xuất hiện những chiếc bàn ép được đúc khuôn hình tròn bằng chất liệu gang, bột lọc sống thì bóp cho vụn hoặc dùng bột lọc đã nhồi sẵn, thêm một ít nhân là thịt nạc, tôm và hành lá rồi cho lên bàn ép được đặt trên bếp than hồng. Thế là một món ăn bình dị, chân quê ra đời “lấp đầy” cái bụng đói của lũ con nít.
Ép bánh là công đoạn vô cùng quan trọng, khi ép phải canh đúng thời điểm khuôn bánh nóng rồi cho bột lọc vào, dùng một lực vừa phải ép bánh lại, canh thời gian bánh chín thì lật bánh, hương thơm phảng phất và tiếng bột xèo xèo vui tai vang lên khiến ai nấy đều thèm thuồng và thích thú.
Khi ăn bánh ép thì thao tác giống như bánh cuốn, cho rau sống gồm xà lách, dưa chuột, rau muống chẻ, bắp chuối, rau thơm và giá vào bánh rồi cuộn lại chấm với mắm nêm tỏi ớt. Đặc biệt, bánh phải được ăn khi còn nóng thì mới ngon vì lúc này bột lọc có độ dẻo kết dính nhất định, mùi thơm tỏa ra hòa quyện nức mũi.
Bánh ép Cầu Hai có đặc trưng khác biệt, đó phần nhân được làm từ thịt nạc heo và tôm đã được tẩm ướp gia vị. Tiếp đó là nước chấm, người dân ở Cầu Hai dùng mắm nêm thay vì nước mắm mặn ngọt. Mắm nêm được pha với tỏi, ớt tươi xay nhuyễn, một chút mì chính để trung hòa vị mặn của mắm…Tất cả được khuấy đều lên tạo thành chén nước chấm thơm nức mũi.
Giấc mơ mang bánh ép Cầu Hai đến với tất cả mọi người
Để thưởng thức đúng hương vị bánh ép Cầu Hai, mọi người phải mất nhiều thời gian để đến huyện Phú Lộc (cách thành phố Huế khoảng 45 km về phía Nam). Chính bởi vì lý do đó mà bánh ép Cầu Hai không thể tiếp cận được nhiều bạn trẻ, cũng như khách du lịch khi ghé thăm thành phố Huế mộng mơ.
Chị Trang – chủ quán bánh ép Trang và cũng là một người con sinh ra ở Cầu Hai, luôn ấp ủ một hoài bão là mang món ăn đặc trưng của vùng đầm Cầu Hai giới thiệu đến với tất cả mọi người. Năm 2020, chị Trang cùng bạn bè quyết định mở quán bánh ép Cầu Hai.
Chị Trang kể:
“Bánh ép là món ăn vặt đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của chị. Ngày xưa, ở vùng quê không có nhiều món ăn vặt, mỗi khi tan học, mỗi khi thèm bánh, mẹ của chị thường chiều lòng con gái rồi chuẩn bị bột, thịt nạc và tôm rồi nhóm lửa ép bánh cho chị ăn”.
Thời điểm mở quán là một quyết định mạo hiểm khi lúc đó dịch bệnh triền miên. Thế nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện, vì mong muốn của chị là mang món ăn gắn liền với quê hương mình giới thiệu rộng rãi đến với nhiều người hơn.
Chị Trang cho biết, muốn làm chiếc bánh ép Cầu Hai giữ được đúng hương vị quê hương, chị phải tìm tòi và hỏi thêm ông bà, các dì ở quê thật chi tiết thì mới dám mở quán. Những bước đầu chập chững thực hiện kế hoạch, chị cùng bạn bè đã đi ăn tất cả các quán bánh ép ở Cầu Hai và cả bánh ép Thuận An để so sánh cũng như học hỏi cách làm.
Bước đầu mở quán gặp nhiều khó khăn, bởi vì đây là lần đầu tiên chị tự mình làm chủ và bắt đầu xây dựng quán khi chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết và cố gắng không ngừng hoàn thiện, quán bánh ép của chị đã trụ vững, hương vị thơm ngon của chiếc bánh đã “đánh gục” vị giác của nhiều người.
“Món bánh ép không còn xa lạ với người Huế, tuy nhiên bánh ép Cầu Hai lại là cái tên khá mới mẻ khi đó là món ăn đặc trưng của địa phương. Cũng vì lý do đó, mình nghĩ rằng bản thân phải làm một điều gì táo bạo hơn, để món ăn ngon nơi mình lớn lên được nhiều người biết đến và thưởng thức, quán bánh ép Cầu Hai – Bánh ép Trang cũng ra đời bởi hoài bão đó”.
Bánh ép ở mỗi địa phương ở Huế sẽ mang một màu sắc riêng, bánh ép Cầu Hai là đặc sản của vùng đầm phá, hương vị của những chiếc bánh với phần bột dẻo, phảng phất hương thơm của thịt nạc và tôm, kết hợp hài hòa với chén mắm nêm đậm đà khó tả. Hương vị ẩn hiện đó khiến món bánh ép như một ẩn số, và thực khách phải đến thưởng thức một lần trong đời mới tìm ra “lời giải” cho vị giác.
Chuyện về màn diễn xiếc Việt Nam được Michael Jackson và sao Hollywood vỗ tay không ngớt
Phùng Hà