MacRumors dẫn tin từ thông cáo báo chí cho biết Bundeskartellamt, Văn phòng cạnh tranh liên bang Đức đã khởi xướng các thủ tục điều tra các quy tắc và công nghệ chống theo dõi của Apple có phản cạnh tranh hay không.
Văn phòng này sẽ xem xét theo luật cạnh tranh các quy tắc của Apple, cụ thể là Khung minh bạch theo dõi ứng dụng (ATT) để xác định Apple có ưu tiên hay gây trở ngại cho các ứng dụng của bên thứ ba hay không.
Theo Andreas Mundt, Chủ tịch Bundeskartellamt, ông hoan nghênh các mô hình kinh doanh sử dụng dữ liệu một cách thận trọng và mang đến cho người dùng lựa chọn về cách sử dụng dữ liệu. Một công ty lớn như Apple có thể đơn phương đặt quy định cho hệ sinh thái của mình, đặc biệt là chợ ứng dụng, nên đưa ra các quy tắc ủng hộ cạnh tranh.
App Tracking Transparency đang bị chính phủ Đức đưa vào tầm ngắm trong việc phản cạnh tranh
Tuy nhiên, nhà chức trách có lý do để nghi ngờ ATT của Apple chỉ áp dụng cho bên thứ ba mà không bao gồm bản thân công ty. Nó cho Apple lợi thế hoặc cản trở đối thủ. Theo Bundeskartellamt, dường như quy định không ảnh hưởng đến Apple khi sử dụng và kết hợp dữ liệu cho quảng cáo cá nhân.
Trả lời trang tin AppleInsider, người phát ngôn Apple khẳng định tính năng này được thiết kế để bảo vệ người dùng chứ không phải để tạo lợi thế cho công ty. Tuy nhiên, Bundeskartellamt chỉ ra rằng dù người dùng cũng có thể hạn chế Apple sử dụng dữ liệu của họ cho quảng cáo được cá nhân hóa, nhưng hãng lại không tuân theo các quy tắc này.
Đây là hành vi pháp lý tiếp theo của cơ quan quản lý cạnh tranh Đức. Vào tháng 6.2021, cơ quan này đã xem xét hành vi chống cạnh tranh từ App Store.
Tính năng ATT được Apple giới thiệu từ iOS 14.5. Theo đó, mỗi khi mở ứng dụng trên iPhone, người dùng sẽ nhìn thấy một cửa sổ hiện lên và xin ý kiến có cho phép ứng dụng theo dõi người dùng cho mục đích quảng cáo hay không. Họ dễ dàng nói không bằng cách nhấn vào nút “Ask App Not to Track” (yêu cầu ứng dụng không theo dõi).
>> Xem thêm: Apple gặp khó khăn với iPhone 14 Pro Max