Hàng ngàn hộ dân dọc 2 bờ sông Thao, đoạn qua địa phận huyện Văn Yên kêu cứu vì mùi hôi thối bốc ra từ trang trại lợn của Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER.
Trang trại lợn công nghệ cao với tổng mức đầu tư gần 136 tỉ đồng vừa đi vào hoạt động nhưng đã khiến người dân bức xúc. Ảnh: Văn Đức.
Hàng ngàn hộ dân kêu cứu
Phản ánh đến PV Báo Lao Động, người dân dọc 2 bờ sông Hồng đoạn qua địa phận 2 xã Đông An, An Bình của huyện Văn Yên bức xúc vì nhiều tháng nay phải sống khốn khổ trong mùi hôi thối nồng nặc mỗi ngày do một đơn vị chăn nuôi lợn phát tán ra môi trường.
Những ngày giữa tháng 6, PV có mặt tại thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên ghi nhận một khu vực rộng với diện tích khoảng 30ha nằm riêng biệt trên khoảng đất rộng, phía sau nằm sát với dòng sông Hồng chảy qua địa bàn.
Trong khu vực, nhiều nhà xưởng đã hình thành kiên cố, các công trình đã xây dựng đi vào hoạt động.
Nhiều bể chứa chất thải của công ty nằm ngay sát bờ sông.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Tuần (ở xã Đông An, huyện Văn Yên) cho biết: "Dọc 2 bờ sông Hồng từ Đông An về đến xã An Bình, thậm chí đến cả các xã dưới Đông Cuông, Mậu Đông cách xa hàng chục km thì 100% các hộ dân đều kêu ca".
Ông Trần Văn Thân, thôn Trung Tâm, xã An Bình, huyện Văn Yên cho biết: "Nhà tôi cách trang trại lợn hàng km nhưng vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu".
Theo ông Thân, sự việc xảy ra khoảng 2 tháng trở lại đây, khoảng thời gian mùi hôi thối bốc ra bất kể giờ giấc, đáng quan ngại là mùi này thường phát ra vào những khung giờ nghỉ ngơi, cơm nước khiến người dân không thể chịu đựng được.
Dù ở nhà nhưng các gia đình vẫn phải đeo khẩu trang, đóng kín các cửa vì trang trại lợn bốc mùi hôi thối.
Các hộ gia đình gần khu vực trại lợn đóng cửa im lìm cả ngày, những hộ dân sống gần 2 bên bờ sông Hồng cũng cửa đóng, then cài vì không chịu được mùi thối phát tán trong môi trường.
Nghi vấn xả thải trực tiếp ra môi trường
Không chỉ bốc mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ phía trang trại lợn này, tại thời điểm PV có mặt ghi nhận, dọc bờ sông gần khu vực trang trại có nước thải chảy từ đây thẳng xuống sông Hồng.
Dọc 2 bờ sông, những bọt trắng đục nổi lên trên mặt nước, bốc mùi khó chịu kéo dài xuống đến tận trung tâm huyện vẫn xuất hiện những bọt nước này.
Các bể chứa thải không được lót chặn ngoài ngăn nước rò rỉ ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ở xã An Bình, huyện Văn Yên) bức xúc: "Tôi ngày nào cũng bơi thuyền qua đây, phát hiện trang trại có 2 điểm có ống cắm thẳng trực tiếp xuống sông".
Qua tìm hiểu được biết, trang trại nuôi lợn mà người dân nghi ngờ là nguyên nhân chính phát tán ra mùi hôi thối, xả thải trực tiếp ra môi trường là của Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER, có địa chỉ tại thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên.
Năm 2020, Công ty này thực hiện Dự án trang trại nuôi lợn khép kín công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả công nghệ tưới Israel trên diện tích 31,58ha tại xã Đông An, với số vốn đầu tư gần 136 tỉ đồng.
Gần khu vực trang trại các bọt nước nổi lềnh bềnh trên sông Hồng, có mùi hôi khó chịu.
Công ty vừa hoàn thiện và đi vào hoạt động từ cuối năm 2021 với quy mô công suất là 2.400 lợn nái và 24.000 lợn thịt/lứa, kết hợp với sản xuất 5.000 tấn phân hữu cơ và trồng cây ăn quả..
Đặc biệt, trong quy hoạch xây dựng, doanh nghiệp này còn đầu tư các hạng mục thu gom nước, phân khu nhà sản xuất phân vi sinh khu vực bể biogas, hồ điều hòa với yêu cầu trước khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn nước thải công nghiệp loại B của Việt Nam.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Yên cho biết: "Khi có phản ánh của người dân, Đoàn kiểm tra của huyện trực tiếp vào kiểm tra và nhận thấy mùi hôi thối xuất phát từ trang trại nuôi lợn là có thật. Tuy vậy, việc này liên quan đến quan trắc môi trường nên cần có thời gian để có kết quả cụ thể".
Liên quan đến tình trạng trên, khi nhận được phản ánh của PV, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và yêu cầu khắc phục tình trạng trên.