Từ năm 2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành y tế Hà Nội có 758 người xin nghỉ việc, gần 100 người xin chuyển công tác.
Thống kê trong báo cáo của UBND TP Hà Nội mới đây khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên, với người trong cuộc, "chảy máu nhân lực" của y tế công, đặc biệt là y tế cơ sở là một thực trạng đã âm ỉ suốt nhiều năm và đại dịch Covid-19 như một mồi lửa thổi bùng lên.
Trước thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương báo cáo vấn đề này.
Làm 10 năm lương hơn 5 triệu: Làm sao bám trụ với nghề
"Chúng tôi có những nhân viên y tế lương tháng chỉ hơn 4 triệu, làm sao trụ được", lãnh đạo trung tâm y tế một quận nội thành Hà Nội đã phải thốt lên chua xót, khi được hỏi về nguyên nhân cán bộ y tế trên địa bàn xin nghỉ việc.
Theo một lãnh đạo trung tâm y tế quận, nhân viên y tế cơ sở có mức thu nhập tương đối thấp khiến họ khó bám trụ với nghề (Ảnh minh họa).
Thống kê trên địa bàn của quận này, các nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong thời gian vừa qua chủ yếu là lực lượng y tế cơ sở. Những người xin nghỉ việc có ở đủ các vị trí, từ nhân viên trạm y tế cho đến trạm trưởng trạm y tế.
Họ đều có chung một lý do: Thu nhập thấp!
"Lực lượng y tế cơ sở lương quá thấp. Một bác sĩ ở trạm y tế ra trường được 10 năm mới được hệ số lương bậc 3, tức là tổng khoảng trên dưới 5 triệu. Với mức thu nhập thế này, anh em phải làm thêm ở ngoài mới đủ sống", vị này cho hay.
Trong khi đó, áp lực công việc tại y tế cơ sở là rất lớn. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã phản ánh rõ nét áp lực này.
"Hết Covid-19, lực lượng y tế cơ sở lại sang chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng. Cứ liên tục như vậy trong khi chế độ đãi ngộ lại không đảm bảo được nên rất khó để gắn bó với nghề", lãnh đạo này chia sẻ.
Y bác sĩ nghỉ việc chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm"
Tại một quận khác của Hà Nội, trong năm 2020 có 5 nhân viên y tế xin nghỉ hoặc chuyển công tác, năm 2021 con số này tăng lên 7 người và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 5 người xin nghỉ. Những người xin nghỉ làm ở nhiều vị trí khác nhau: Trưởng trạm y tế phường, bác sĩ nhưng chủ yếu vẫn là điều dưỡng tại trạm y tế và trung tâm y tế.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành y tế của quận này, những con số trên chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".
"Chúng tôi thường xuyên có những đoàn ở quận xuống thăm hỏi, động viên anh em cơ sở bám trụ với ngành. Thực tế, còn có 10 người nộp đơn xin nghỉ nhưng sau khi động viên thì anh em quyết định rút đơn", vị lãnh đạo này cho hay.
Cũng theo vị này, có 2 nguyên nhân chính khiến các cán bộ y tế cơ sở phải xin nghỉ việc.
Áp lực công việc lớn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc (Ảnh minh họa).
Thứ nhất là áp lực công việc quá lớn. Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, nhân viên y tế các trạm y tế, trung tâm y tế phải làm việc rất vất vả. Trong giai đoạn căng thẳng, lực lượng này phải túc trực 24/24h. Thậm chí, kể cả mắc Covid-19 vẫn phải tiếp tục làm việc.
"Có những thời điểm tôi chứng kiến anh em phải nghe điện thoại để giải thích, vào danh sách phục vụ chống dịch trắng đêm. Nhiều anh em không chịu nổi áp lực này", lãnh đạo này chia sẻ. "Thực tế, chúng tôi thống kê có đến 50% cán bộ trạm y tế bị stress", vị này cho biết.
Nguyên nhân thứ hai, là do chế độ chính sách với cán bộ y tế cơ sở vẫn còn quá khiêm tốn.
Lãnh đạo này phân tích: "Mức lương của cán bộ y tế cơ sở còn rất thấp. Tổng thu nhập của một cán bộ y tế cơ sở chỉ ở mức 5 - 7 triệu. Thậm chí, với một trưởng trạm y tế phường thì tổng tất cả các khoản theo quy định chỉ ở mức dưới 10 triệu. Do đó, việc người ta xin nghỉ, xin chuyển cũng là điều dễ hiểu".
Cần cơ chế đường dài để không phải "sợ" làm y tế cơ sở
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP Hà Nội, báo cáo Thường trực HĐND TP Hà Nội về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố theo trình tự, thủ tục rút gọn.
UBND TP Hà Nội cho rằng một chế độ đãi ngộ thỏa đáng kịp thời là rất cần thiết cũng là việc cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên đối với những đóng góp to lớn của lực lượng y tế.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo phòng y tế quận, nếu phương án hỗ trợ này được thông qua thì cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn và chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề đang tồn tại ở y tế cơ sở bấy lâu nay.
"Bây giờ ở y tế cơ sở chỉ có xin đi, còn ai cũng "sợ" vào làm. Việc thành phố hỗ trợ mỗi nhân viên y tế cơ sở vài trăm, vài triệu chỉ là cái trước mắt. Cái cần thiết nhất là một chính sách vĩ mô mang tính dài hạn", vị lãnh đạo này kiến nghị.
Cụ thể, theo vị này, chế độ đãi ngộ của cán bộ y tế cơ sở cần được thay đổi, ví dụ như: cần phải đảm bảo một mức thu nhập "cứng" phù hợp cho cán bộ y tế cơ sở; ưu tiên trong chế độ tăng lương hoặc hỗ trợ các vấn đề an sinh khác (như vấn đề chỗ ở).
"Chế độ đãi ngộ cần được đưa vào tiêu chí cứng thì anh em mới có thể chuyên tâm làm việc lâu dài. Mục tiêu thứ hai là thu hút được các cán bộ mới về. Làm sao để sinh viên y khoa mới ra trường muốn về y tế cơ sở làm việc, chứ không chỉ chăm chăm lên tuyến trên như thực trạng hiện nay", vị này nêu quan điểm