Trang Chủ > Sức khỏe > Xuất huyết võng mạc do đường huyết tăng vọt

Xuất huyết võng mạc do đường huyết tăng vọt

VnExpress
22/06/2022 18:52:08

Đầu tháng 6, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Duy Lân (45 tuổi, ở TP HCM) trong tình trạng đường huyết cao hơn 300 mg/dL (tương đương khoảng 16,5 mmol/L, người bình thường dưới 7,8 mmol/L), kèm biểu hiện mệt mỏi, lừ đừ, ăn vào ói ra. Riêng mắt phải của anh mờ đột ngột. Những biểu hiện này diễn ra trong 2-3 ngày trước khi anh được đưa đi cấp cứu.

Anh Lân cho biết mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm nhưng do công việc kinh doanh phải đi công tác thường xuyên nên anh uống thuốc không đều, dẫn đến đường huyết không kiểm soát. Cách đây vài ngày, anh đi khám mắt và được chẩn đoán xuất huyết võng mạc.

BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ, thông thường người bệnh đái tháo đường bị biến chứng võng mạc sẽ diễn ra từ từ nhưng khi anh Lân nhập viện, mắt mờ nhanh chóng, đường huyết lại quá cao. Nguyên nhân có thể do người bệnh dùng thuốc điều trị đái tháo đường không đúng và đủ liều. Bác sĩ điều trị giảm nhanh đường huyết để tránh làm tăng nặng biến chứng xuất huyết võng mạc, ngăn các biến chứng lên các cơ quan khác, nhiễm toan ceton, rơi vào hôn mê hay tử vong. Nếu chậm trễ, nguy cơ mù lòa ở người bệnh càng tăng.

Sau điều trị, đường huyết của bệnh nhân ổn định hơn; thị lực biến chuyển rõ rệt, nâng lên 9/10, trong khi lúc trước là 4/10.

Bác sĩ Duy cho biết thêm, nếu đường huyết xuống thấp (dưới 60 mg/dL) cũng có thể khiến người bệnh hôn mê, thậm chí tử vong. Tình trạng đường huyết lên xuống thất thường khiến sức khỏe của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể gây ra biến chứng khó lường.

Xuất huyết võng mạc do đường huyết tăng vọt-1

Người bệnh kiểm tra mắt tại chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Trang Anh

Biến chứng đái tháo đường ở mắt

Bác sĩ Nguyên Duy cảnh báo, người bệnh đái tháo đường thường chỉ quan tâm đến biến chứng ở các cơ quan như tim mạch, thận... mà không chú ý đến biến chứng ở mắt như bệnh võng mạc đái tháo đường, xuất huyết võng mạc, phù hoàng điểm...; có thể gây mất thị lực.

Theo bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng (chuyên khoa Mắt), võng mạc được cấu tạo bởi các tế bào thần kinh đặc biệt, có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu, truyền về não bộ giúp chúng ta nhìn thấy được hình ảnh. Xuất huyết võng mạc xảy ra khi thành mao mạch yếu đi, giãn ra và phình lên do tác động của đường huyết cao. Điều này làm tăng tính thấm khiến dịch và máu rò rỉ ra ngoài tạo thành các đốm xuất tiết, xuất huyết nhỏ. Tình trạng nặng hơn sẽ phá vỡ mao mạch, khiến máu chảy ra nhiều tạo thành các mảng xuất huyết và gây thiếu máu, tổn thương hàng rào máu, tổn thương võng mạc.

Nếu người bệnh không điều trị đường huyết ổn định có thể rơi vào một trong hai tình huống: bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh và bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh.

Với bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh, những mạch máu mới hay những triệu chứng chưa xuất hiện, có thể phát hiện thông qua chụp đáy mắt. Tuy nhiên, chứng phù hoàng điểm có thể xuất hiện với các biểu hiện nhìn mờ, tầm nhìn bị thu hẹp, hình ảnh biến đổi khác nhau ở hai mắt. Lúc này, người bệnh chỉ cần điều trị, kiểm soát yếu tố nguy cơ bao gồm đường huyết, huyết áp, lipid máu và sử dụng một số thuốc.

Theo bác sĩ Tùng, bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh là sự xuất hiện của nhiều mạch máu mới, mong manh. Lúc này, tầm nhìn của người bệnh bị hạn chế nhiều với các biểu hiện như đỏ mắt hay nhức mắt. Thông thường, người bệnh sẽ điều trị bằng phương pháp tiêm nội nhãn (giúp kháng lại tình trạng tăng sinh mạch máu), dùng laser quang đông (giúp ổn định, không cho mạch máu tăng sinh). Trường hợp nặng hơn, xuất hiện những vệt máu và đốm đỏ trôi nổi trong tầm nhìn và gây xuất huyết thì cần mổ mắt.

Điểm chung của cả hai trường hợp này là tình trạng phù hoàng điểm có thể xảy ra. Đây là khu vực trung tâm nhỏ của võng mạc giúp có tầm nhìn chi tiết, sắc nét... Khi máu và dịch rò rỉ vào hoàng điểm sẽ gây phù, nhìn mờ và hoặc mất thị lực.

Biến chứng đái tháo đường thường diễn biến âm thầm, nhưng khi biểu hiện thì đã ở mức độ nặng. Những biểu hiện cần chú ý bao gồm: mắt mờ đột ngột hoặc mờ từ từ, khát nước thường xuyên, cơ thể mệt mỏi, tiểu nhiều, khô miệng, ăn nhiều nhưng lại nhanh đói, giảm cân hoặc tăng cân bất thường, vết trầy xước lâu lành... Khi nhận thấy các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám sức khỏe tại các chuyên khoa Nội tiết, khoa Mắt... Bác sĩ Duy lưu ý, người bệnh đái tháo đường lâu năm không nên chủ quan, cần uống thuốc đúng liều, đúng giờ để duy trì mức đường huyết ổn định.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nhã Trang