3 tháng qua là quãng thời gian "ác mộng" với gia đình chị Q. (33 tuổi, quê Bạc Liêu), kể từ khi con trai phát hiện mắc căn bệnh quái ác. Nhìn bệnh nhi 12 tuổi chảy nước mắt, nằm bất động không thể nói gì khi thấy mẹ ngồi kề bên, mòn mỏi chờ mình xuất viện trở về nhà, những người chứng kiến đều không khỏi xót xa.
Những đứa trẻ bất động nhiều ngày trên giường bệnh
Chị Q. cho biết, trước đó bé Bình (tên đã thay đổi) chỉ bị sốt bình thường 2 ngày. Đến ngày thứ 3, con trai chị bất ngờ bị yếu liệt chân, rồi không thể đi được. Lúc này, gia đình mới đưa bé từ quê đến bệnh viện chuyên khoa nhi ở Cần Thơ cấp cứu. Tại đây, bé được điều trị 2 ngày nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn.
Người mẹ chăm sóc con nhiễm viêm não Nhật Bản, đã điều trị nhiều tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: GL).
Khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh nhi đã hôn mê và nằm bất động đến bây giờ. Nghe các bác sĩ nói con đã bị viêm não Nhật Bản biến chứng nặng, gia đình bất ngờ vì con đã từng tiêm vaccine.
Những tháng đầu, chồng chị Q. đảm nhiệm việc chăm sóc con, vì bé phải thở máy, không thể tự sinh hoạt, nói năng hay ăn uống được. Đến tháng thứ 3 thì người vợ đảm nhiệm thay. Mỗi ngày nhìn con mở to mắt, chị Q. chỉ biết ước sao có phép màu để bé vượt qua bạo bệnh.
Vì dù không thể nói năng hay cử động được, bé vẫn nghe được tiếng của mẹ, vẫn hiểu câu chuyện mẹ chia sẻ với bác sĩ. Những lúc nước mắt con chảy dài trên mặt, lòng người mẹ cũng như bị dao cứa.
Trẻ nhiễm viêm não Nhật Bản nặng dù nghe được lời cha mẹ nói nhưng không thể trả lời (Ảnh: GL).
Đây cũng là cảm xúc hiện tại của chị T. (37 tuổi, sống ở Trà Vinh), có con nằm cách bé Bình vài giường. Từ một đứa bé nhanh nhẹn, con trai 14 tuổi của chị giờ phải làm bạn với chiếc giường bệnh lạnh lùng, tay chân bị cột để ngăn những cơn co giật bất ngờ ập đến. Nhắc đến con, chị T. chỉ biết khóc, vì bất lực và cũng không biết bé sẽ ở bệnh viện đến khi nào.
Hơn 1 tháng trước khi đang thi cuối kỳ năm lớp 7, Huy (con chị T., tên đã thay đổi) lên cơn sốt và đau đầu. Mẹ ra tiệm mua thuốc tây cho con uống 2 ngày cầm cự chờ kết thúc kỳ thi, nhưng đổi lại là những cơn đau đầu dữ dội hơn. Khi được chuyển vào TPHCM cấp cứu vì xác định mắc viêm não Nhật Bản, bệnh nhi đã hôn mê.
Con chị T. đã nằm viện hơn 1 tháng trời (Ảnh: GL).
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, dù rất đã nỗ lực điều trị, các bác sĩ chỉ giữ được mạng sống cho Huy, nhưng thứ còn ở lại là di chứng khủng khiếp ở não. Đến nay sau nhiều tuần điều trị, bé trai vẫn chưa thể nhận biết. Hỏi về việc chủng ngừa, chị T. nói đã tiêm một mũi vaccine viêm não cho bé, còn mũi 2 thì… quên. Chị chia sẻ, ở quê nên việc tiêm chủng cũng không sát sao như trên thành phố, nên giờ phải cay đắng nhìn con bị bệnh tật hành hạ.
Hầu hết để lại di chứng não
Các bệnh nhi trên là 2 trong tổng số 4 trường hợp viêm não Nhật Bản mà Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trong năm 2022. May mắn hơn các em, hai trường hợp còn lại nhờ tiên lượng tốt đã được xuất viện. Năm ngoái vì ảnh hưởng dịch Covid-19, số bệnh nhi viêm não Nhật Bản tại đây bằng 0.
Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con mắc viêm não Nhật Bản cho người mẹ (Ảnh: GL).
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi này đã điều trị một số trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Dù không có hậu quả về nhân mạng, toàn bộ bệnh nhi đều để lại di chứng về não và nằm viện kéo dài. Có trường hợp phải thở máy hàng tháng trời.
"Ở miền Bắc, bệnh này diễn biến theo mùa nhưng ở Nam bộ thì xuất hiện rải rác quanh năm. Gần như tất cả các em sau khi nhiễm bệnh đều có biến chứng, do virus làm hư não" - bác sĩ Nam nói.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản nếu can thiệp điều trị trễ sẽ để lại những di chứng nặng về thần kinh, vận động. Thời gian điều trị của trẻ thường kéo dài, có khi tính bằng năm. Đã từng có trường hợp bệnh nhi viêm não Nhật Bản nằm viện 4 năm trời.
Tiêm chủng đầy đủ là giải pháp tốt nhất để phòng chống viêm não Nhật Bản (Ảnh: GL).
Ngoài điều trị tích cực như dùng thuốc, thở máy, bệnh nhi mắc bệnh cũng phải được nâng đỡ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu. Vì nằm bất động không tự sinh hoạt được, trẻ phải có người chăm sóc, cho ăn uống, tắm rửa. Tùy thể trạng của trẻ mà khả năng phục hồi khác nhau nhưng đòi hỏi sự nỗ lực, đồng hành rất lớn từ gia đình.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, vaccine phòng viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên trong 2 năm dịch Covid-19 tỷ lệ chủng ngừa thấp, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên kiểm tra, rà soát xem con em đã tiêm đủ chưa, vì sau khi tiêm mũi đầu tiên, vẫn có các mũi nhắc lại theo lịch của vaccine viêm não Nhật Bản. Tránh để không tiêm chủng đầy đủ mà khiến trẻ mắc bệnh và để lại di chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong.