Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Từ Thành Trí Dũng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, vùi dương vật bẩm sinh là tình trạng bất thường bẩm sinh của bộ phận sinh dục ngoài ở trẻ trai. Thân dương vật, quy đầu bị vùi trong lớp da quy đầu liên tục với bìu và/hoặc thành bụng nên không nhô lên khỏi lớp da trên xương mu khiến cho trẻ gặp khó khăn khi tiểu tiện. Bệnh thường đi kèm với viêm xơ quy đầu, nhiễm trùng tiểu...
Có rất nhiều giả thiết liên quan đến tình trạng vùi dương vật bẩm sinh ở trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý bệnh có nguồn gốc bào thai. Ở góc độ giải phẫu học, vùi dương vật bẩm sinh là do kết hợp các yếu tố: bất thường trong cố định da cân Dartos và cân Buck khiến cho dương vật bị trượt vào trong; sai điểm bám ống da, thiếu da bao thân dương vật... Các yếu tố này làm cho dương vật bình thường về hình dạng và kích thước, nhưng bị vùi dưới mô dưới da trước xương mu. Hai yếu tố thường đi kèm với vùi dương vật là hẹp bao quy đầu và béo phì.
Tùy theo tác giả mà vùi dương vật được phân loại khác nhau. Tác giả Crawford chia vùi dương vật bẩm sinh thành 2 loại không hoàn toàn và hoàn toàn. Theo tác giả Cromie W.J, có 3 loại gồm vùi dương vật thể nhẹ, trung bình và nặng.
Cách nhận biết vùi dương vật là thông qua quan sát hình dáng, kích thước dương vật. Dương vật sẽ ngắn, nhỏ với phần thân tụt vào trong và chỉ còn lại lớp da bọc bên ngoài nên khi sờ vào không thấy thân dương vật. Dương vật chỉ xuất hiện khi cương hoặc dùng tay ấn vào, thả tay ra thì bị tụt vào trong. Trẻ thường có biểu hiện khó khăn khi tiểu tiện, tia nước tiểu yếu và ngắt quãng, bao quy đầu căng phồng và sưng đỏ, có túi nước tiểu ứ đọng giữa quy đầu và bao quy đầu, viêm da bao quy đầu - quy đầu...
Vùi dương vật bẩm sinh thường có liên quan đến tình trạng béo phì. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Trí Dũng cho biết, để chẩn đoán vùi dương vật bẩm sinh ở trẻ em, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Việc không nhìn thấy thân dương vật mà chỉ thấy da quy đầu biểu hiện qua 3 mặt. Mặt lưng, da vùng mu đến ngay đỉnh bao quy đầu. Mặt bụng, da bìu đến ngay đỉnh bao quy đầu. Khi tiểu, bao quy đầu phồng lên, nếu có hẹp bao quy đầu kèm theo.
Việc điều trị vùi dương vật bẩm sinh từng được y văn ghi nhận là dùng nội tiết tố sinh dục nam, nhưng phương pháp này cho thấy không mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc điều trị ngoại khoa tuân thủ nguyên tắc cố định gốc dương vật nhưng vẫn đảm bảo khả năng di động và cương cứng.
Nguyên tắc phẫu thuật là giải phóng da khỏi thân dương vật. Cắt bỏ tổ chức (mô xơ, cân Dartos loạn sản, fundiform ligament...) bám dính bất thường. Phục hồi, cố định lại gốc dương vật - bìu. Những kỹ thuật này thường thất bại vì chỉ cố định da đến những phần không di động (cân xương mu, cành mu), không cắt mô bám dính bất thường.
Quan điểm hiện nay là cố định gốc dương vật vào những cấu trúc chắc nhưng vẫn di động (phần gốc của cân dương vật). Kết quả lâu dài được duy trì, hình thể dương vật vẫn phát triển bình thường. Bên cạnh đó, việc điều trị cần phải đảm bảo yếu tố cá thể hóa theo từng trường hợp. Hiểu biết về bệnh học, quyết định cho sự thành công.
Kết quả thống kê cho thấy, 92% trường hợp có kết quả tốt. 5,4% trường hợp tái phát vùi dương vật và 2,4% phải mổ lại để cắt da thừa.
Bác sĩ Trí Dũng tư vấn cho người bệnh tại Khoa Nam học. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Vùi dương vật bẩm sinh là tình trạng ít được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây ra các biến chứng có liên quan đến đường tiết niệu và sinh dục của trẻ như: viêm bao quy đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, hẹp niệu đạo, hẹp lỗ sáo... Do đó, bác sĩ Từ Thành Trí Dũng khuyến cáo ba mẹ nên chú ý quan sát con nhiều hơn. Ngay khi phát hiện bất thường cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa.
Hân Thái