Chị N.T.L.A. (26 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến khám da liễu vì thường xuyên rụng tóc. Kết quả xét nghiệm thật bất ngờ, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn giang mai.
Bản thân chị L.A kết hôn được 1 năm, chưa mang thai, chị tưởng rụng tóc do bị Covid-19 hồi tháng 2 vừa qua.
Khi chồng chị đến khám cũng dương tính với giang mai. Lúc này chị L.A mới cho biết trước đó chị cũng thấy ở da, vùng sinh dục có dát hồng nhưng nghĩ dị ứng nên không hề biết đó là dấu hiệu sớm của bệnh giang mai.
Thú nhận với bác sĩ, chồng chị L.A lí nhí cho biết, cách đây không lâu anh có đi du lịch cùng bạn bè và có đi massager sau khi đi nhậu và đi hát về. Lần đó anh cho nhân viên massager quan hệ bằng miệng đã lây giang mai.
Anh N.T.H (32 tuổi, trú tại Hà Nội) tìm tới bác sĩ trong tâm trạng lo lắng vì “cậu nhỏ” có các nốt rất lạ. Anh H. anh làm về IT ở Hà Nội, đã ly hôn hai năm nay. Thời gian qua, anh H. cũng thường xuyên quan hệ với 4 – 5 người phụ nữ khác nhau nhưng bản thân anh H. cho rằng đều là những cô gái “nguồn gốc rõ ràng”.
Rụng tóc do giang mai. (Ảnh minh họa)
Khi nghe bác sĩ nói bệnh giang mai, anh H. rất bất ngờ và lo lắng về khả năng sinh con khi tái hôn.
Hay trường hợp khác, anh Chung (43 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cũng tìm tới bác sĩ vì trên da xuất hiện các nốt đỏ. Khi đến khám, bác sĩ cho làm xét nghiệm, kết quả dương tính với vi khuẩn giang mai. Bác sĩ cho liệu trình tiêm kháng sinh, yêu cầu anh Chung đưa vợ hoặc bạn tình tới điều trị cùng.
Anh Chung mới thú nhận, anh làm kỹ sư xây dựng, hiện đang độc thân vì ly hôn 5 năm trước. Anh chỉ quan hệ với một đồng nghiệp ở công trường. Theo anh Chung được biết bạn gái của mình rất “sạch sẽ” nên anh cũng không biết vì sao mình lây giang mai.
Dấu hiệu của giang mai
Bác sĩ Nguyễn Trần Thế Anh – Trung tâm sức khỏe Nam giới Men’s Health, TP.HCM, bệnh giang mai là bệnh lây qua đường tình dục không an toàn. Bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh rất dễ bị bỏ sót.
Bệnh khởi đầu với những tổn thương da dạng 'săng', loét có thể điều trị và kiểm soát tốt. Biến chứng về sau bao gồm những tổn thương nguy hiểm tác động đến tim mạch, mạch máu, thần kinh, các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể.
BS Thế Anh cho rằng bệnh giang mai được chia làm 3 giai đoạn chính với các dấu hiệu, triệu chứng khác nhau theo từng giai đoạn. Ngoài ra, giữa giai đoạn 2 và giai đoạn 3 còn tồn tại giai đoạn tiềm ẩn.
Thời kỳ 1: Sau thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 3 tuần, cơ thể sẽ xuất hiện các tổn thương dạng săng tại bộ phận sinh dục.
Săng có hình dạng tròn, bầu dục từ 0.5 - 2cm, giới hạn rõ, đều đặn, thường không có bờ, đáy vết thương sạch, trơn, bóng, màu đỏ như màu thịt tươi, sờ vào thấy cứng, không đau, kèm theo nổi hạch 1 hoặc 2 bên bẹn.
Đây là giai đoạn đầu của bệnh, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời sẽ kiểm soát và đẩy lùi được bệnh.
Nếu không điều trị tổn thương sẽ tự lành sau 3 - 6 tuần, nhưng bệnh sẽ bước vào các giai đoạn nguy hiểm sau đó.
Thời kỳ 2: Giai đoạn này xoắn khuẩn giang mai đã lan tràn khắp cơ thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, sốt, nhức đầu, đau xương, đau khớp…
Các tổn thương cũng xuất hiện rộng khắp cơ thể, từ mặt, vai, hông đến lòng bàn tay, lòng bàn chân, hậu môn, vùng sinh dục.
Các hình dạng, kích thước của tổn thương da cũng đa dạng hơn, phổ biến nhất là đào ban, có hình tròn, bầu dục, màu hồng nhạt, từ vài mm đến 1-2cm, không ngứa, không đau. Ngoài ra còn các tổn thương khác như vết ở môi, miệng lưỡi, vết loét, vết sẩn bề mặt ẩm ướt… Các triệu chứng này có thể tái đi tái lại trong thời gian dài.
Giai đoạn tiềm ẩn, đây là giai đoạn âm ỉ, không có bất kì triệu chứng nào được thể hiện. Giai đoạn này có thể kéo dài suốt đời, hoặc chuẩn bị cho sự bùng phát nguy hiểm của xoắn khuẩn.
Vi khuẩn gây các thương tổn lên đa cơ quan trong cơ thể, nhất là hệ thống tim mạch và thần kinh, để lại những hậu quả nặng nề đến sức khỏe.
Thời kỳ 3: Đây là giai đoạn muộn với các biến chứng trầm trọng lên cơ quan nội tạng, và có thể dẫn đến tử vong nhưng rất hiếm gặp. Các tổn thương giai đoạn này cũng rất đặc trưng, từ tổn thương dạng cũ.
Các tổn thương có thể xuất hiện tại da, niêm mạc, nội tạng và xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
BS Thế Anh khuyến cáo mày râu nên đến các trung tâm y tế để được thăm khám, chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời khi có tiếp xúc với các nguy cơ mắc bệnh.
Đưa bạn tình cùng kiểm tra sức khỏe. Xem xét kĩ lưỡng ý định có con trong thời gian mang mầm bệnh và tầm soát cho mẹ bầu vì nguy cơ lây truyền bệnh cho thai nhi.
>> Xem thêm: Chồng bỏ nhà ra đi vì vợ sinh đôi liên tiếp