(Tổ Quốc) - Kháng thuốc kháng sinh - câu chuyện không hề mới nhưng mỗi khi nhắc đến nó vẫn luôn là vấn đề nhức nhối đối với toàn cầu và đặc biệt là với người Việt.
Thời gian gần đây, lời cảnh báo của các bác sĩ và các nhà khoa học về tình trạng "kháng thuốc kháng sinh" trên thế giới đang gia tăng nhanh hơn dự báo đã dấy lên nỗi lo ngại rất lớn.
Theo Đại học Oxford, kháng thuốc kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Vào khoảng năm 2050, trên thế giới có thể ghi nhận 10 triệu người tử vong mỗi năm do thuốc kháng sinh không còn ngăn ngừa hiệu quả các bệnh thông thường.
Các bác sĩ cảnh báo rằng, nếu như chúng ta không có những hành động kịp thời thì sẽ ngày càng có nhiều bệnh nhân phải nằm viện hay tử vong vì chẳng có loại thuốc nào có tác dụng trị bệnh.
WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới
Câu chuyện một người nào đó gặp tình trạng kháng thuốc kháng sinh tưởng chừng là một điều gì đó rất xa xôi với thực tế. Nhưng bạn có biết rằng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam chính là quốc gia cũng được xếp vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Chỉ trong giai đoạn từ năm 2009 cho đến 2017, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.
Lạm dụng thuốc kháng sinh - mối nguy hại khôn lường cho cả người lớn, trẻ nhỏ
Cũng theo cảnh báo của WHO, kháng kháng sinh xảy ra khi chúng ta đã sử dụng các loại thuốc có tác dụng giết hoặc hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, virus, nấm nhưng không có tác dụng. Từ đó dẫn đến việc thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ tử vong lớn hơn.
BSCKI Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trường Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Khi gặp vi khuẩn kháng thuốc sẽ rất khó khăn cho bác sĩ khi phải lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp. Các bác sĩ phải sử dụng các loại thuốc thế hệ mới, tốn kém hơn, hoặc phải phối hợp nhiều loại thuốc trong quá trình điều trị. Lúc đó cơ hội điều trị cho người bệnh khó hơn, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.
Việc lạm dụng kháng sinh còn có thể gây tổn thương gan, thận; làm gia tăng bệnh hen suyễn, dị ứng; tăng nguy cơ gây rối loạn vi khuẩn đường ruột do việc sử dụng kháng sinh dài làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Lạm dụng kháng sinh còn tạo các vi khuẩn kháng thuốc.
Với trẻ nhỏ, hậu quả của kháng kháng sinh còn nghiêm trọng hơn nữa. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai): Trẻ nhỏ lạm dụng kháng sinh, hậu quả trước tiên là dị ứng.
Dị ứng có thể gây sốc phản vệ, diễn ra vô cùng nhanh và có thể gây chết người ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần.
Tác dụng phụ thứ hai là tiêu chảy - đây là tác dụng cũng rất hay gặp và làm suy giảm đáng kể sức khỏe của nhiều trẻ em.
Việc dùng thuốc kháng sinh khi không cần thiết cũng sẽ làm giảm sức đề kháng, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể trẻ. Bởi lẽ uống kháng sinh vào những lúc không cần thiết sẽ khiến vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển.
Làm cách nào để phòng ngừa tình trạng kháng kháng sinh?
Theo khuyến cáo của WHO, để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của tình trạng kháng thuốc kháng sinh, mọi người rất nên:
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có sự chỉ định của chuyên gia y tế.
- Luôn tuân theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh. Đừng bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế của bạn nói rằng bạn không cần chúng.
- Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc.
- Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả các lây nhiễm. Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như virus, nguyên nhân của cảm, cúm.
- Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau.
- Dùng kháng sinh đúng thời điểm: Nếu bạn được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sỹ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu.
- Chủ động phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, quan hệ an toàn hơn và tiêm chủng đầy đủ.
Đậu Đậu