Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (83,9%), 10.693 ca tử vong (chiếm 0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận hơn 10,7 triệu ca mắc, 43.087 ca tử vong (chiếm 0,4%).
Riêng từ ngày 15/3 đến hết tháng 6, cả nước ghi nhận hơn 4,3 triệu ca mắc, 1.610 ca tử vong. Tỷ lệ chết/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với 3,5 tháng trước đó với tỷ lệ chết/mắc là 0,25%.
Trong tháng 6, số mắc chững lại ở khoảng 600 - 700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Cụ thể, cả nước ghi nhận 8 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%. Như vậy, số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó. Đặc biệt, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong nào.
Con số tử vong vào tháng 5 là 37 ca. Trong 5 ngày đầu tháng 7, cả nước ghi nhận 2 ca tử vong.
Hiện cả nước còn khoảng hơn 30.000 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có đa phần theo dõi, điều trị tại nhà, khoảng 400 ca đang điều trị tại 436 bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện có 30 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 2 ca thở máy xâm lấn.
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường
Trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Âu khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-23 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Tại Việt Nam, đã xuất hiện các ca mắc do biến thể phụ mới của chủng Omicron là BA.4 và BA.5. Trong năm nay, hiện nước ta đang lưu hành chủ yếu là biến thể BA.2 của chủng Omicron.
Theo WHO, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 khoảng 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (Ảnh: VGP).
Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy mức độ bảo vệ của các mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm. Trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới, WHO và CDC Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 để ngăn ngừa, phòng, chống dịch Covid-19 là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Trước bối cảnh xuất hiện biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. WHO ghi nhận các ca mắc Covid-19 đã tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4. Đợt gia tăng chủ yếu do sự lây lan của biến chủng phụ Omicron BA.4 và BA.5.
Vì vậy, theo Thứ trưởng nếu khả năng miễn dịch suy giảm trong cộng đồng cùng với việc chủ quan, lơ là trong tiêm vaccine và phòng chống dịch Covid-19, dịch bệnh sẽ có nguy cơ cao bùng phát trở lại.