TTO - Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế không chỉ xảy ra tại các bệnh viện, mà tại Viện Pasteur TP.HCM tất cả các loại vắc xin dịch vụ cơ bản cũng hết sạch trong những ngày qua vì gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm.
- TP.HCM cạn vắc xin ngừa cúm, viêm phổi
- Không thiếu vắc xin cho trẻ em và người lớn
- TP.HCM: 69 bệnh viện đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 cố định trong tháng cao điểm
Dù trong ngày làm việc (ngày 18-6) nhưng các dãy ghế tại khu vực phòng khám - tiêm ngừa Viện Pasteur TP.HCM không một bóng người - Ảnh: XUÂN MAI
Nhu cầu người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dịch vụ rất cao nhưng thời gian cụ thể để có vắc xin trở lại đến nay tại Viện Pasteur vẫn chưa xác định.
"Khó chấp nhận"
Có mặt tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 18-6, ghi nhận rất đông người có nhu cầu tiêm vắc xin buộc phải quay về vì viện này thông báo đã hết tất cả các loại vắc xin dịch vụ, chưa biết chính xác ngày có vắc xin trở lại.
Bên trong khu vực phòng khám - tiêm ngừa Viện Pasteur, các dãy ghế dành cho người dân ngồi chờ tiêm chủng "đóng băng", không một bóng người. Tại quầy hướng dẫn chỉ có duy nhất một nhân viên y tế và lác đác một vài người dân. Ai nấy cũng tỏ ra vô cùng lo lắng khi cần tiêm vắc xin phòng bệnh gấp nhưng lại... không có vắc xin.
Hối hả đưa người mẹ 71 tuổi vừa bị chó hàng xóm cắn ở bàn tay đến tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại Viện Pasteur, nhưng ngay từ cổng vào, chị T.T.L. (ngụ quận 1, TP.HCM) được bảo vệ thông báo hết vắc xin phòng dại. Lo lắng, chị L. vẫn tiếp tục đưa mẹ vào khu vực bên trong nhưng chỉ nhận thông báo tương tự.
Chị L. và mẹ của mình được nhân viên y tế tư vấn vết chó cắn ở vị trí bàn tay là nguy hiểm, cần phải tiêm vắc xin phòng dại. "Viện đã hết tất cả vắc xin, cả vắc xin dại. Bây giờ chị nên đưa bà qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tiêm", nữ nhân viên hướng dẫn.
Tương tự, bà Thường (64 tuổi, ngụ quận 3) bị chuột cắn trong lúc ngủ vào khuya 17-6. Đến sáng 18-6, bà vội đến Viện Pasteur tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh nhưng cũng được thông báo hết vắc xin uốn ván.
Theo bà Thường, một viện tiêm ngừa lớn ở TP.HCM mà hết tất cả các loại vắc xin cơ bản là "khó chấp nhận được". "Người tiêm vắc xin phòng ngừa viêm phổi, cúm mùa, HPV... thì có thể chờ thêm vài ngày nhưng khi tiêm ngừa dại, uốn ván thì không chậm trễ được. Nếu chẳng may vết cắn chó, mèo, chuột... nghiêm trọng, có thể chuyển nặng, gây chết người", bà Thường bày tỏ.
Sắp xếp được buổi sáng 18-6 để tiêm mũi vắc xin HPV (ngừa ung thư cổ tử cung) kế tiếp tại Viện Pasteur TP.HCM, sinh viên C.T.V. (21 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đành phải cầm sổ theo dõi tiêm chủng đến nơi khác tiêm để không gián đoạn.
Ở Viện Pasteur thì bị cảnh ngộ như thế nhưng tại một số nơi khác vẫn có vắc xin. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) - đều cho biết đơn vị có đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Bảng danh mục các vắc xin tại Viện Pasteur TP.HCM cập nhật chiều 19-6 - Ảnh: X.MAI
Chưa rõ thời gian có vắc xin
Đến chiều 19-6, truy cập vào website Viện Pasteur TP.HCM, tại bảng danh mục các vắc xin có 19 loại/nhóm loại vắc xin nhưng đều thông báo hết, không hiện thêm thông báo ngày nào có vắc xin lại.
Được biết một trong những chức năng chính của Viện Pasteur là tổ chức cung cấp các dịch vụ về y tế dự phòng, y tế công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trên địa bàn khu vực phía Nam và các địa phương được phân công theo yêu cầu của Bộ Y tế. Việc hết một loại hay vài loại vắc xin tại viện cũng thỉnh thoảng diễn ra nhưng hết tất cả các loại vắc xin như hiện nay thì rất hiếm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguồn tin từ Viện Pasteur cho biết nguyên nhân viện hết tất cả các loại vắc xin là do gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm. Viện vẫn đang tổ chức đấu thầu nhưng không biết chính xác khi nào có vắc xin. "Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh quy trình đấu thầu để sớm có vắc xin nhưng không dám hứa khi nào có", vị bác sĩ nói.
Riêng bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết những ngày qua, số lượt người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh tại bệnh viện tăng, trong đó có nhiều người từ Viện Pasteur hướng dẫn đến tiêm.
"Có nhiều bệnh nhân ở tỉnh đi đường xa đến Viện Pasteur tiêm vắc xin nhưng không có phải vội vã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tiêm. Hiện chúng tôi có đầy đủ vắc xin, quy trình tổ chức tiêm đạt tiêu chuẩn, giá cả hợp lý", bác sĩ Dũng chia sẻ.
Cho biết về những hệ lụy khi người dân tiêm vắc xin phòng bệnh không đúng hạn, kịp thời, TS Phạm Quang Thái - trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) - cho biết điều này chắc chắn sẽ không bảo vệ được cơ thể khi không đủ lượng kháng thể cần thiết dự phòng.
"Ví dụ một trường hợp bị chó dại cắn nhưng không có vắc xin tiêm kịp thời thì rất nguy hiểm, lúc này chuyển đến vấn đề điều trị sau phơi nhiễm chứ không phải dự phòng nữa", ông Quang Thái lấy ví dụ.
TS Quang Thái cho biết vắc xin dịch vụ thường phải theo cơ chế thị trường. Với hai năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và có thời điểm TP.HCM phải tạm dừng các hoạt động tiêm chủng, nên các đơn vị tiêm chủng ở TP không nhập vắc xin. Đến nay, khi dịch COVID-19 đã kiểm soát, một số bệnh khác hoành hành, nhu cầu người dân tiêm vắc xin phòng bệnh tăng thì không thể có vắc xin dịch vụ ngay lập tức.
"Các quy định mua bán đều thông qua đấu thầu. Thủ tục này làm cản trở toàn bộ các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, không chỉ riêng Viện Pasteur TP.HCM. Theo tôi, cần "cải tạo" cơ chế này để các đơn vị tiêm chủng dễ dàng hơn trong việc đấu thầu, mua sắm các loại vắc xin", TS Thái nêu ý kiến.
Không những thiếu vắc xin, thuốc điều trị, vật tư y tế cũng thiếu và tình trạng này diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy các địa phương và đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
XUÂN MAI