Trước thông tin về việc biến chủng phụ BA.5 của Omicron đã có mặt tại Việt Nam cùng tốc độ lây lan nhanh hơn những biến chủng SARS-CoV-2 trước đây, nhiều người dân bày tỏ sự lo ngại về khả năng bùng phát trở lại của dịch Covid-19, từ đó, ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội.
Dù đồng ý nguy cơ đến từ dịch Covid-19 là không thể chủ quan, các chuyên gia đều cho rằng những việc cần làm để chống lại sự lây lan của nCoV sẽ không thay đổi, nhất là trong bối cảnh vaccine vẫn còn hiệu lực.
Người dân đeo khẩu trang khi tập thể dục trong đợt dịch Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh .
Linh hoạt trong dự phòng cá nhân
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thông qua các đợt dịch trước đây, chúng ta có thể thấy sự tiến hóa của SARS-CoV-2 là khôn lường.
“Chúng ta đã được chứng kiến sự xuất hiện của biến chủng nCoV gốc, Alpha, Delta, Omicron... Những biến đổi này là điều cơ bản và không thể lường trước. Covid-19 cũng không đi theo xu hướng của các đại dịch như lý thuyết”, vị lãnh đạo cho hay.
Về biến chủng phụ BA.5, GS Lân thông tin qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, nó có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng dù các biến chủng mới xuất hiện, các biện pháp phòng bệnh Covid-19 vẫn không thay đổi.
“SARS-CoV-2 vẫn là virus lây lan qua hình thức giọt bắn. Do đó, việc dự phòng cá nhân và vaccine là vấn đề quan trọng”, ông nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh các biện pháp dự phòng cá nhân trong bối cảnh hiện nay cần linh hoạt hơn.
Cụ thể, ông lấy ví dụ việc đeo khẩu trang trong môi trường kín, với người đang mắc bệnh, có triệu chứng hô hấp, tiếp xúc với nhóm nguy cơ cao vẫn rất cần thiết.
Ngược lại, việc bắt buộc người dân ra đường tập thể dục vẫn đeo khẩu trang cần linh hoạt hơn. Người dân cũng có thể chuyển đổi từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải dùng nhiều lần, từ đó, hạn chế tác hại đối với môi trường.
PGS Phu cũng thừa nhận việc dự báo diễn biến dịch Covid-19 ở thời điểm này vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự giám sát và đánh giá nguy cơ đúng.
“Khi đánh giá đúng tình hình, chúng ta mới có thể đưa ra được giải pháp phù hợp. Chúng ta cần tránh đánh giá sai tình hình, dẫn đến không phòng được dịch, mặt khác, cũng không nên đánh giá thái quá, cấm đoán, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, an sinh xã hội”, vị chuyên gia nói.
Theo ông Phu, Việt Nam nới lỏng nhưng không nên buông trôi, thả lỏng. Bên cạnh đó, việc nới lỏng và dự phòng đều cần thực hiện đồng bộ, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, từ đó đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Ông lấy ví dụ: “Chúng ta cần cho học sinh đi học. Nếu có ca bệnh, chúng ta quản lý chỗ đó, không vì thế mà bắt cả trường nghỉ, không vì một nhà mà phong tỏa cả khu phố”.
Người dân tại TP.HCM tiêm mũi vaccine Covid-19 nhắc lại. Ảnh: Duy Hiệu .
Vaccine vẫn còn hiệu lực
GS.TS Phan Trọng Lân cho biết Việt Nam đã trải qua 5 đợt dịch với những biến chủng Covid-19 khác nhau. Mặc dù mỗi loại vaccine có hiệu quả đáp ứng cũng như kháng thể khác nhau với từng loại biến chủng, nhìn chung, vaccine vẫn có tác dụng giảm ca bệnh diễn biến nặng, phải nhập viện hay tử vong.
“Nơi nào chưa an toàn đồng nghĩa vùng đó chưa tiêm chủng, vùng kháng thể chưa đảm bảo, nguy cơ lây lan nhiều và tiềm ẩn sự phát sinh biến chủng mới”, ông nói.
TS Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng cho biết các bằng chứng khoa học đến nay chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vaccine trong phòng mắc Covid-19 đạt trên 50%.
Nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa NEJM công bố cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Cụ thể, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%. Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%. Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%. Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%. Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 đạt 76%.
Đồng quan điểm, PGS Phu nhận định: “Giải pháp về việc tiêm vaccine cũng vẫn hữu hiệu khi chúng ta so sánh 2 đợt dịch ở 2 miền thời gian qua. Số lượng ca mắc phải nhập viện, diễn biến nặng và tử vong ở giai đoạn sau, tại miền Bắc, thấp hơn nhiều dù biến chủng có thay đổi”.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cũng khuyến cáo người dân cần đi tiêm chủng vaccine khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.
“Nhiều người có suy nghĩ đã nhiễm Omicron rồi sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này không đúng vì các nghiên cứu cho thấy nếu nhiễm Omicron BA.1, trong trường hợp chưa tiêm chủng, lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Mặt khác, nếu nhiễm Omicron BA.1 sau khi đã tiêm chủng, kháng thể sẽ bảo vệ cơ thể trước biến chủng Delta và Omicron BA.1 nhưng không bảo vệ được với Omicron BA.4 và BA.5”, ông cho hay.