Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Quang Vinh
Người bệnh bị đẩy vào thế khó
Thời gian qua, không ít người bệnh và các bệnh viện đã gặp khó khăn vì thiếu thuốc, vật tư y tế. Anh Phạm Tiến Dũng (Hưng Yên) chia sẻ, người nhà nhập viện tỉnh để điều trị bệnh xơ gan, tuy nhiên y tá thông báo gia đình cần mua những vật tư y tế nhỏ như băng gạc, kim truyền dịch ở ngoài bệnh viện. “Y tá thông báo thì chúng tôi lập tức đi mua thôi. Nhưng thú thật là rất bất ngờ và lo lắng, liệu người nhà có được điều trị tốt trong tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế như vậy”.
Trong khi đó, anh Đặng Thành Văn (Thái Bình) cho biết, người thân của anh được chỉ định mổ tại một bệnh viện tuyến Trung ương nhưng tới tháng 10 mới có lịch, lý do là thiếu vật tư y tế.
Một trường hợp khác, do bệnh viện hết khớp gối nhân tạo mà gia đình chị Nguyễn Thanh Huyền (Hà Nội) cũng đang rơi vào tình trạng mỏi mòn chờ đợi để mẹ chị được phẫu thuật thay khớp gối. Trong khi đó, bà cụ bị đau khớp gối rất nặng, điều trị bằng thuốc không có tác dụng và phải chịu cơn đau hành hạ mỗi ngày.
Thực tế thiếu thuốc cũng đang diễn ra ở nhiều bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập ở tỉnh Thái Nguyên. Bệnh viện Phổi Thái Nguyên đang có hàng nghìn bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thời gian tới, một số loại thuốc điều trị bệnh phổi mãn tính phát cho bệnh nhân sẽ hết, nhưng kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp bộ chưa được công bố.
Theo nhiều chuyên gia y tế, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh không phải là vấn đề mới và nó thường xảy ra nhỏ lẻ. Nhưng thời gian vừa qua, tình trạng này đã xảy ra tại nhiều cơ sở y tế của nhiều địa phương trên cả nước. Điều này có liên quan tới công tác đấu thầu.
Từ thực tế công tác, bác sĩ Lã Thị Dung - Bệnh viện đa khoa Đan Phượng (Hà Nội) cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, Bệnh viện chưa xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế nhưng tình trạng này cũng không phải là điều hiếm có. Có năm có thể thiếu, có năm có thể không vì một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do công tác đấu thầu. Nói một cách dễ hiểu thì bệnh viện dựa theo số lượng sử dụng của năm trước để đánh giá, dự kiến để đặt mua thuốc, vật tư cho năm tiếp theo. Nên nếu năm tiếp theo đó mà lượng bệnh nhân tăng đột biến thì tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế sẽ xảy ra”.
Bác sĩ Dung cũng chia sẻ: “Thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế là điều không bác sĩ hay lãnh đạo bệnh viện nào mong muốn cả. Thực tế là nếu thiếu thuốc, vật tư thì bệnh nhân phải tự tìm mua ở ngoài, điều này làm chúng tôi rất buồn. Bên cạnh đó, thu nhập của bệnh viện cũng sẽ giảm, tác động trực tiếp tới thu nhập của cán bộ, công nhân viên”.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tâm sự: Là bác sĩ, tôi hiểu, suốt một năm qua có rất nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư. Ở thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh, thành hiện nay chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Trong bối cảnh hành lang pháp lý - cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác mua sắm - chưa bao phủ hết các tình huống, các vụ bắt bớ vì vi phạm quy định về đấu thầu đã khiến những người chuyên trách mua sắm vật tư, trang thiết bị “vừa làm vừa sợ”.
Điều trị, chụp chiếu cho bệnh nhân tại một bệnh viện. Ảnh: TTXVN
Do tâm lý sợ đấu thầu?
Về phía Bộ Y tế, cơ quan này cho rằng, nguyên nhân chính là do tâm lý sợ sai, được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.
Cũng theo Bộ Y tế, mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Vì ảnh hưởng của đại Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra. Ngoài ra, do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Được biết, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế về việc xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế. Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; tập trung bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.
TS. BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E:
Người dân chịu thiệt thòi
Nhiều năm nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư vẫn có, nhưng ít nghiêm trọng hơn. Ở thời điểm hiện tại, tôi biết có bệnh viện, bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ mang lên. Người bệnh đang phải chịu thiệt thòi rất lớn vì họ tham gia bảo hiểm y tế, họ có quyền lợi được hưởng khi đi khám, chữa bệnh nhưng lại đang phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc, vì bệnh viện thiếu thuốc.
Tại Bệnh viện E, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo có đủ thuốc, vật tư... Tuy nhiên, việc đấu thầu rất khó. Lấy ví dụ mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng người ta không chào giá rẻ.
Một nguyên nhân khác, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhanh và sau 2 năm chống dịch, người dân đi đến các cơ sở khám, chữa bệnh quá nhiều, dẫn đến sự quá tải. Vì vậy xảy ra tình trạng có thể năm nay cơ sở y tế dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm có thể phải sử dụng 1.500-2.000 viên. Do đó, bệnh viện phải bổ sung thầu.
Trước đây khi thầu không đủ, bệnh viện sẵn sàng vay mượn chính đơn vị cung ứng thầu để kịp thời cung cấp cho người bệnh. Còn hiện tại, người ta phải nhìn ngó lại xem việc vay mượn đó có đúng quy định không, bởi nếu trường hợp phải làm lại hợp đồng mua bán, phải quay lại quy trình đấu thầu, rất dễ xảy ra tình huống đơn vị bệnh viện cần trả nợ hàng vay lại không trúng thầu.
TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế:
Bộc lộ nhiều vướng mắc
Công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế đang bộc lộ một số vướng mắc do các quy định của pháp luật hiện hành. Thứ nhất, việc quy định giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại vật tư khiến việc đấu thầu rất khó thực hiện do chưa tính đến yếu tố lạm phát.
Thứ hai, vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế (số lượng, chủng loại…) của bệnh viện có thể không sát với thực tế.
Thứ ba, do thời gian vừa qua chúng ta tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch Covid-19 nên công tác đấu thầu tập trung không thực hiện được. Ngoài ra, do việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên có hiện tượng khan hiếm thuốc cũng như có loại thuốc bị thừa nếu không sử dụng đến.
Thứ tư, thời gian qua có một số vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu nên dẫn đến tâm lý lo ngại khi tham gia đấu thầu. Thậm chí, có đơn vị hiện nay còn thiếu đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác đấu thầu, mời thầu do một số cán bộ xin chuyển công việc khác.
Để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế trên, theo tôi, cần đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu, trong đó có đấu thầu thuốc, vật tư y tế, để tìm ra thực trạng không tham gia đấu thầu hiện nay đang vướng nhất ở khâu nào.
Nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra Nghị quyết. Nếu vướng ở cấp Chính phủ thì phải trình Chính phủ để giải quyết; vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các bộ phải cùng giải quyết; vướng ở các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ Y tế phải giải quyết.
Thực tế cho thấy, cần có văn bản hướng dẫn quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Đ. Trân (ghi)