Bác sĩ Phạm Xuân Vinh, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, mới đây đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nguy kịch vì biến chứng nặng của bệnh lao.
Bệnh nhân là anh N.T.T. (31 tuổi) nhập viện với triệu chứng khó thở, tràn dịch màng phổi nặng, nồng độ oxy máu rất thấp, thể trạng chỉ còn da bọc xương. Khai thác bệnh sử, 4 năm trước anh T. đã được chẩn đoán bệnh lao nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bỏ dở điều trị.
Anh N.T.T. thời điểm mới nhập viện (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Vài tháng trở lại đây, anh liên tục tức ngực, ho và cảm thấy khó thở. Người đàn ông tự ra tiệm mua thuốc tây uống. Đến khi thấy tình trạng không thuyên giảm mà dần nặng hơn, không thể thở nổi, anh mới chịu để mẹ đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm và chụp X-quang cho thấy anh T. bị tái phát bệnh lao, tràn khí màng phổi. Do triệu chứng trở nặng, bệnh nhân được chuyển đến khoa ICU điều trị.
Sau vài tuần điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp, bệnh nhân đã tự thở được. Bệnh nhân sẽ tiếp tục dùng kháng sinh điều trị lao theo phác đồ trong vòng 6 tháng.
Theo bác sĩ Vinh, do phổi bệnh nhân đã bị xơ nên sẽ để lại di chứng về sau, dù qua cơn nguy kịch. Anh T. sẽ không còn lao động được như trước mà chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng chịu gánh nặng viện phí hơn 20 triệu đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn của anh T., bệnh viện cùng một số mạnh thường quân đã hỗ trợ viện phí, tiền ăn uống cho mẹ con anh trong thời gian điều trị.
Theo bác sĩ Vinh, triệu chứng bệnh lao khá đa dạng, người mắc thường có những dấu hiệu điển hình như ho kéo dài 2-3 tháng, sốt, sụt cân bất thường dù ăn uống đầy đủ... Một số trường hợp bệnh lao không có triệu chứng chỉ phát hiện khi đi khám và chụp hình phổi.
Người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS là những trường hợp dễ mắc bệnh lao nhất. Tuy nhiên, một số ca bệnh ghi nhận gần đây tại bệnh viện là người trẻ tuổi, không bệnh nền, khả năng đề kháng tốt. Điều này cho thấy, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lao.
Bệnh lao lây qua đường hô hấp nên cần tuân thủ việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc (Ảnh: Như Hà).
Lao lây qua đường hô hấp. Để phòng chống bệnh, người dân phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác và ngược lại.
Những người đã mắc bệnh phải tuân thủ yêu cầu của bác sĩ, điều trị và uống thuốc theo phát đồ. Trường hợp mắc cần hạn chế tiếp xúc với người thân và những người xung quanh, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ, những người có cơ địa suy giảm miễn dịch.
"Khi ho phải che miệng, tốt nhất là che bằng khăn giấy. Rác thải từ người bệnh lao phải được đốt đi, bởi nếu để trong thùng rác vẫn có khả năng vi trùng lao lây lan trong không khí", bác sĩ cảnh báo.