Trang Chủ > Sức khỏe > Triệu chứng cảnh báo teo bàng quang ở trẻ nhỏ

Triệu chứng cảnh báo teo bàng quang ở trẻ nhỏ

VnExpress
28/07/2022 09:00:20

Bàng quang là một cơ quan nhỏ ở vùng bụng dưới, hình tròn có chức năng giữ nước tiểu đến khi cơ thể bài tiết. Teo bàng quang là một dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khiến bộ phận này phát triển bất thường, ảnh hưởng đến hệ tiết niệu.

Ở trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu, các tín hiệu thần kinh sẽ thông báo với não về tình trạng này. Sau đó, bàng quang co bóp, đẩy nước tiểu qua niệu đạo ra ngoài cơ thể. Trường hợp trẻ bị teo bàng quang, nước tiểu đầy được thải qua lỗ thông trong ổ bụng thay vì niệu đạo.

Các bác sĩ thường xác định dị tật này khi siêu âm thai định kỳ. Tuy nhiên, có những trường hợp khiếm khuyết không được phát hiện cho đến khi đứa trẻ được sinh ra. Triệu chứng chính của teo bàng quang là rò rỉ nước tiểu từ bàng quang mở. Đứa trẻ sẽ gặp vấn đề về kiểm soát bàng quang và gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cơ ở bụng và đường tiêu hóa.

Triệu chứng cảnh báo teo bàng quang ở trẻ nhỏ-1

Trẻ bị teo bàng quang cần phẫu thuật sớm để bảo vệ đường tiết niệu. Ảnh: Istockphoto

Da và xương chậu của trẻ mang dị tật liên kết lỏng lẻo, sai vị trí khiến bàng quang mở, không thể đóng lại nên nhô lên phần da bụng của bệnh nhi. Lúc này, hình dạng của bàng quang có thể thay đổi thành mặt phẳng nhằm thích nghi với da bụng. Bệnh nhi teo bàng quang thường có các dấu hiệu sau:

Hẹp tầng sinh môn : Đây là tình trạng bẩm sinh hiếm gặp ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của trẻ. Ở bé trai, niệu đạo có thể mở ở phía trên của dương vật, không phải phần đầu như bình thường. Với bé gái, lỗ niệu đạo ở vị trí cao.

Xương mu rộng : Xương mu là bộ phận bảo vệ bàng quang, niệu đạo và cơ bụng. Ở trẻ teo bàng quang, các xương này không liên kết với nhau khiến phần hông hướng ra ngoài.

Cơ quan sinh dục phát triển bất thường : Dương vật bé trai teo bàng quang có thể ngắn, cong, tinh hoàn ẩn. Một số trường hợp có thể bị thoát vị bẹn, khối phồng ở bẹn gây đau. Với bé gái, âm vật, môi âm hộ nhỏ có thể tách rời, âm đạo và niệu đạo ngắn. Tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng không bị ảnh hưởng.

Thoát vị rốn : Xuất hiện khi trẻ chào đời, không đau, khi ho hoặc đi vệ sinh có khối phồng gần rốn.

Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) : Tình trạng này khiến nước tiểu chảy ngược lên thận, hình thành sau khi trẻ phẫu thuật đóng bàng quang.

Theo các chuyên gia, đến nay nguyên nhân gây teo bàng quang bẩm sinh chưa được làm rõ. Dị tật này xuất hiện khi thai nhi phát triển từ 4-5 tuần. Tuy nhiên, các yếu tố như tiền sử gia đình (có người phì đại bàng quang từ nhỏ), trẻ chào đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể gây teo bàng quang. Đặc biệt, bé trai có nguy cơ teo bàng quang gấp 3 lần bé gái.

Nếu không điều trị sớm, trẻ teo bàng quang có thể bị khiếm khuyết ở thành bụng, bộ phận sinh dục, xương chậu, trực tràng, hậu môn, rách tầng sinh môn, nước tiểu chảy ngược, thậm chí nứt đốt sống, ung thư bàng quang, rối loạn chức năng tình dục, són tiểu.

Do đó, biện pháp hiệu quả nhất chữa trị teo bàng quang là phẫu thuật. Với trẻ lớn, các bác sĩ sẽ phẫu thuật một lần để đóng ổ bụng, sửa niệu đạo giúp trẻ đi tiểu bình thường. Trẻ sơ sinh được phẫu thuật theo 3 giai đoạn gồm: Mới chào đời (phẫu thuật đóng xương chậu, bàng quang); 6 tháng tuổi (phẫu thuật điều chỉnh cơ quan sinh dục, niệu đạo); từ 4-5 tuổi (phẫu thuật cố định bàng quang giúp bài tiết nước tiểu).

Tùy tình trạng, triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp với thể trạng trẻ. Một số trẻ có thể phải phẫu thuật bổ sung để bàng quang hoàn thiện chức năng, tránh nhiễm trùng thận, sỏi thận, tiểu không tự chủ.

Minh Thúy (Theo Cleveland Clinic, Mayo Clinic, Very Well Health )

10 vị thuốc lợi tiểu tự nhiên

Kích điện điều trị tiểu gấp

Khát nước thường xuyên có thể là bệnh