Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi P.H.Q (4 tuổi, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) đến khám vì sốt cao.
Theo bố mẹ bệnh nhi chia sẻ, ở nhà bệnh nhi xuất hiện tình trạng sốt cao kèm da nóng đỏ và khô, đau đầu, nôn thức ăn. Bố mẹ bệnh nhi nghĩ rằng trời nắng nóng nên bệnh nhi bị say nóng, say nắng và cho bệnh nhi hạ sốt, chườm mát cũng như bổ sung thêm nước, điện giải oresol.
Tuy nhiên, sau 2 ngày, tình trạng của bệnh nhi không đỡ, lúc này gia đình mới cho bệnh nhi đến viện khám.
Qua thăm khám, bệnh nhi có chỉ định nhập viện vì nghi ngờ bị viêm não - màng não nhưng gia đình không đồng ý. Bác sĩ đã giải thích mối nguy hiểm của bệnh nếu phát hiện muộn.
Sau đó, bệnh nhi được phân lập dịch não tủy và điều trị theo phác đồ bệnh viêm não, viêm màng não.
Theo TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc bệnh viện, bệnh viêm não, viêm màng não gặp ở nhiều độ tuổi, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Trong khi giai đoạn đầu, không có dấu hiệu điển hình dễ nhầm lẫn các bệnh lý khác. Vì vậy, trẻ nhập viện thường ở giai đoạn nặng, thay đổi ý thức, hôn mê, phù não nặng nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể nguy kịch, đe dọa tử vong nhanh chóng.
Bệnh viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, Hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli...
Bệnh viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
Triệu chứng lâm sàng thường không điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống say nóng, say nắng hay các bệnh hô hấp khác như: sốt, đau đầu, buồn nôn... Tuy nhiên, trẻ có thể không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, bú kém, nôn trớ...
Việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn. Ở giai đoạn muộn, bệnh viêm não và viêm màng não đều có các triệu chứng thần kinh giống nhau như lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê...
Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h - 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống, hạn chế các di chứng về thần kinh, vận động.
Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý thời tiết nắng nóng hiện nay tránh để trẻ say nắng, say nóng và phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh viêm não, viêm màng não. Khi thấy trẻ sốt cao, uống hạ sốt không đỡ, kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ, phụ huynh cần đưa trẻ vào viện ngay để được bác sĩ thăm khám, có biện pháp điều trị kịp thời.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có vaccine ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do HIB, vaccine viêm màng não do mô cầu type A, C, vaccine ngừa phế cầu...
Để phòng tránh bệnh cho trẻ, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian và cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Link gốc: https://vtv.vn/suc-khoe/tre-sot-cao-vi-viem-nao-cha-me-nham-say-nang-say-nong-20220727165115378.htm
Theo ttvn.vn