Nỗi lo bệnh tiềm tàng và chơi quá gắng sức
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên, trong vài năm gần đây, số ca nhập viện để điều trị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng, từ 1,7% lên tới 2,5%, với tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ.
Nhiều trường hợp đột quỵ khi tập thể thao (ảnh minh họa)
Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20 và thậm chí là trẻ hơn, chiếm tới 1/3 các trường hợp đột quỵ. Đặc biệt, đã có một số trường hợp bị đột quỵ khi đang tập luyện thể thao khiến nhiều người lo lắng.
Điển hình là trường hợp nam sinh 15 tuổi ở Lạng Sơn đang chơi thể thao tại trường thì bất ngờ ngất xỉu, sau đó ngừng tim. Các bác sĩ BVĐK Lạng Sơn cho hay nam sinh có tiền sử mắc bệnh tim, khi được đưa vào viện chẩn đoán đột quỵ, đã tử vong ngoại viện. Hay cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng đã bị đột quỵ khi đang thi đấu tranh cúp vì nhồi máu cơ tim…
Và gần đây nhất, tham gia giải chạy Marathon Quy Nhơn 2022 ngày 12/6 cự ly 21 km, VĐV Trần Công Đại Phúc (SN 1977) gặp vấn đề về sức khoẻ, có dấu hiệu đột quỵ. Sau hơn một ngày điều trị tại BV đa khoa tỉnh Bình Định, VĐV bán chuyên nghiệp này đã không qua khỏi.
BS. Mạnh Khánh cho biết, đột quỵ khi chơi thể thao có 2 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất xảy ra trên người có bệnh lý nền mà không biết, hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít.
Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình. Ví dụ, những người này chỉ có khả năng chạy được 5km, sau tập luyện đẩy lên 10km, 20km, nhưng họ lại cố gắng chạy 50km, thậm chí 100km…nên không phù hợp.
Mỗi độ tuổi tìm 1 môn thể thao phù hợp
BS Khánh khuyến cáo: Việc lựa chọn môn thể thao cần phải phù hợp với độ tuổi. Những môn thể thao đòi hỏi vận động lớn như bóng đá, chạy đường dài ưu tiên lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở người tuổi cao hơn có thể đi bộ, đạp xe, bơi. Đặc biệt khi chơi không nên tăng nặng ngay. Ở môn chạy cần khởi động kỹ, bắt nhịp tăng dần để quả tim co bóp cần quá trình thích nghi.
“Cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng phải đòi hỏi có quá trình tập luyện và thích nghi lâu dài. Nếu thúc đẩy nhanh quá trình đó cơ thể dẫn tới quá tải, quả tim bị suy không cung cấp đủ máu, phổi cần phải hoạt động liên tục mới trao đổi được oxy. Tim chỉ khoảng 90 nhịp/phút, nếu đẩy lên 180-200 nhịp/phút là quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ”, BS. Khánh nói.
Theo ông Khánh, biến chứng nặng nhất của người chơi thể thao mà bệnh viện hay gặp là suy tim cấp và đột quỵ. Người chơi môn chạy cần có phương tiện đi kèm để đo nhịp tim, không được để nhịp tim lên cao quá, chỉ đến 120 là phù hợp.