Đó là một trong nhiều trường hợp bị trầm cảm nặng, phải điều trị kéo dài mà Bệnh viện Tâm thần TPHCM tiếp nhận sau đại dịch Covid-19.
Trầm cảm vì học phí cao, gia đình thất nghiệp
Bệnh nhân trên là nữ sinh viên năm 2 một trường đại học ở TPHCM. Khai thác bệnh sử, do học phí càng ngày càng cao, cô gái phải đi làm thêm nhiều giờ và gánh áp lực học hành rất mệt mỏi. Nhưng đợt dịch Covid-19 kéo dài khiến gia đình cô bị thất nghiệp, trong nhà cũng có người tử vong vì Covid-19.
Bản thân nữ sinh bị mắc kẹt dịch ở TPHCM thời gian dài, sinh hoạt ăn uống kham khổ. Đến khi được về quê, vì hoàn cảnh, gia đình lại khuyến khích cô sớm quay trở lại thành phố.
Trở lại phòng trọ trước áp lực về tiền bạc, học hành, cô gái thường xuyên trầm cảm, có những suy nghĩ cực đoan bi quan, nhất là vào buổi tối. Vô tình phát hiện nữ sinh viên bất thường tâm lý, người bạn học ở gần nhà trọ liền đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM cầu cứu.
Một cô gái trẻ từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM vì trầm cảm, loạn thần (Ảnh minh họa: Biên Thùy).
Tại bệnh viện, bệnh nhân được hỗ trợ tâm lý liên tục, cho uống thuốc điều trị và theo dõi sát. Các bác sĩ cũng không dám đưa thuốc cho bệnh nhân mà phải chuyển cho người bạn giữ, vì lo ngại việc để bệnh nhân tự ý dùng thuốc trong tình trạng trầm cảm nặng dễ dẫn đến tự sát. Sau 1-3 tháng được can thiệp, bệnh nhân dần ổn định tinh thần, sức khỏe.
6 tháng điều trị, nữ sinh viên gần như khỏi hoàn toàn, gia đình cũng dần vượt qua được khó khăn để ổn định cuộc sống.
"Bệnh nhân vừa dứt đợt điều trị, hiện tại chủ yếu chỉ uống thuốc bổ để dễ ngủ và uống cách ngày" - BS CK2 Vũ Kim Hoàn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM thông tin.
Quy trình "cấp cứu trầm cảm"
Theo bác sĩ Hoàn, tỷ lệ bệnh nhân bị trầm cảm tự sát sau dịch Covid-19 tăng lên rất cao (20-25%). Trước tình hình này, UBND TPHCM và Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần TPHCM phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 để nhanh chóng tiếp nhận và giải quyết các trường hợp trầm cảm tự sát.
Bác sĩ Hoàn chia sẻ, đầu số 19001267 của bệnh viện trước đây dùng để tư vấn bệnh lý tâm thần, tâm lý và đặt lịch tư vấn cho bệnh nhân, hiện tại vừa triển khai thêm nhánh "cấp cứu trầm cảm".
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cơ sở 1 (Ảnh: Biên Thùy).
Cụ thể, đầu số 19001267 có 5 đường line trong giờ hành chính. Đường line thứ nhất (ấn phím 1) là tiếp nhận trường hợp có triệu chứng trầm cảm tự sát. Đường line thứ 2 dùng để tư vấn tâm lý. Đường line thứ 3 để đặt lịch khám. Đường line thứ 4 và thứ 5 dùng để đặt lịch khám và tư vấn cho trẻ em, khám và điều trị các bệnh lý về tâm thần.
Dù vậy, ngoài giờ hành chính hoặc bất kỳ lúc nào có cuộc gọi về đầu số 19001267 và nhấn phím 1, bệnh viện sẽ trên tinh thần có trường hợp trầm cảm tự sát và xử lý khẩn cấp.
Về quy trình "cấp cứu trầm cảm", sau khi nhận cuộc gọi, lập tức điều dưỡng trực ghi nhận thông tin người gọi, tình trạng hiện tại của bệnh nhân, địa điểm… Sau khi tiếp nhận hoàn chỉnh, Bệnh viện Tâm thần TPHCM sẽ báo về Trung tâm Cấp cứu 115 và nơi này sẽ gửi nhân viên cấp cứu đến hiện trường.
Nếu bệnh nhân trong tình trạng tự sát rõ ràng sẽ được nhập viện chăm sóc và theo dõi chặt chẽ 24/24 (Ảnh minh họa: Biên Thùy).
Các y bác sĩ sẽ sử dụng các thủ thuật y tế phù hợp nhất để đưa người bệnh nhập viện nhanh nhất. Sau khi thăm khám, nếu bệnh nhân có chỉ định nhập viện và trong tình trạng tự sát rõ ràng sẽ được đưa vào nhóm "hộ lý 1" (nhóm có thể tự sát bất kỳ lúc nào và ở đâu), được chăm sóc và theo dõi chặt chẽ 24/24.
Với những trường hợp chỉ một mình, hay người dân phát hiện và gọi đến, dù khó khăn hơn các trường hợp có thân nhân nhưng các bác sĩ vẫn tiếp nhận, khống chế và đưa bệnh nhân vào viện. Sau khi điều trị cho bệnh nhân bình tĩnh, ổn định trở lại, các y bác sĩ sẽ tiến hành hỏi thăm về gia cảnh, địa chỉ…
Khi bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn sẽ được cho về nhà, nhưng vẫn tiếp tục theo dõi, điều trị ngoại trú Bệnh viện Tâm thần TPHCM.
Bệnh nhân cần cấp cứu trầm cảm tại TPHCM có thể liên hệ đầu số 19001267, ấn phím 1 (Ảnh: V.E).
Giải pháp cứu người tự sát
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn nhận định, trước đây nhiều gia đình có bệnh nhân trầm cảm tự sát không biết đưa đi đâu nên gọi đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Tuy nhiên, bệnh viện không có dịch vụ vận chuyển cấp cứu nên chỉ có thể liên hệ một đơn vị khác hỗ trợ.
Do đó khi Bệnh viện Tâm thần TPHCM phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 trong hoạt động "cấp cứu trầm cảm", sẽ giúp cho người dân có hướng xử lý cụ thể, khi phát hiện ai đó tự sát.
Bác sĩ Hoàn dẫn chứng, gần đây đã diễn ra nhiều sự việc người dân chạy đến giữa cầu, dựng xe rồi nhảy xuống. Nếu có dịch vụ cấp cứu trầm cảm sẽ có thể cứu được sinh mạng bệnh nhân và giải quyết được nguyên nhân gốc gây ra hành động trên.
Bệnh viện Tâm thần TPHCM phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 trong hoạt động "cấp cứu trầm cảm" sẽ là giải pháp cứu mạng các trường hợp tự sát (Ảnh: CTV).
"Có thể bệnh nhân bị stress cấp do vấn đề nào đó mới phát sinh, khiến bản thân túng quẫn, mất trí, suy nghĩ không còn khả năng sống trên đời nên mới chọn cách quyên sinh. Có những trường hợp tự tử không thành công, sau đó được cứu lại hối hận, nuối tiếc việc mình đã làm.
Với hoạt động "cấp cứu trầm cảm", sau khi điều trị bệnh nhân sẽ bình tĩnh hơn, có can đảm đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Điều này mang tính nhân văn rất cao" - bác sĩ Hoàn nói.
Chỉ cần giải quyết được vấn đề gốc và điều trị sớm, người trầm cảm có thể khỏi bệnh hoàn toàn, trở lại với cuộc sống, sinh hoạt, làm việc bình thường, giúp ích được nhiều cho gia đình và xã hội.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo những người có các dấu hiệu như không còn thích thú, dễ mệt mỏi, khó tập trung, đầu óc trống rỗng không làm được gì, nhìn về tương lai một cách bi quan, đặc biệt là vào buổi tối thì nên đi khám sớm để kịp thời được can thiệp.
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm Thần TPHCM) để được "cấp cứu trầm cảm".