Chiều 27/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, đến nay, TP.HCM nhận 18.976 trường hợp mắc
bệnh sốt xuất huyết
, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.542 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 25 là 1,6% (311/18.976), tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (33/7.542).
Trong tuần 25, từ ngày 17/6 đến 23/6, TP.HCM ghi nhận 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 10 trường hợp, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca).
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.
Số ca bệnh sốt xuất huyết trong tuần 25 tiếp tục tăng cao ở 21/22 quận huyện, TP. Thủ Đức (trừ Quận 12). Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Cô Giang (Quận 1), Phường 11 (Quận 3), Phường 15 (Quận 8), xã An Phú Tây (Bình Chánh), Phường 11 và Phường 22 (quận Bình Thạnh), Phường 1 (quận Gò Vấp).
Cũng trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần 24. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 305 ổ dịch và có 3 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 374 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 152 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.
Về dịch bệnh tay chân miệng thì tính đến tuần 25, thành phố ghi nhận 7.634 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong tuần 25, thành phố ghi nhận thêm 825 ca bệnh tay chân miệng, giảm 217 ca (20,8%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Ngành y tế khuyến cáo các gia đình, khu dân cư dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay,… và ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.
Đồng thời tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Trong trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.
TP.HCM: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh ở các bệnh viện
SKĐS - Sở Y tế TP.HCM cho hay, báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue của thành phố cho thấy, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng.