TP.HCM đã phát hiện 3 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 , BA.5 của Omicron. Các ca này được ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định qua tầm soát ngẫu nhiên.
Cụ thể, trong 3 ca nhiễm có 1 ca ở huyện Củ Chi và 2 ca ở TP Thủ Đức. Các ca mắc biến thể mới BA.5 đã được phát hiện tại TP Hà Nội và TP.HCM, có khả năng các ca bệnh mắc các biến thể mới sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Theo GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, biến thể BA.5 này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2). Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện này thì điều này là bình thường.
GS. Phan Trọng Lân cho biết, biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2 từ 10-13%. Đồng thời, biến thể mới có khả năng chống lại các miễn dịch nên người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc biến thể mới BA.4 và BA.5.
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này, vaccine COVID-19 vẫn chứng tỏ hiệu quả với các biến thể mới của SARS-CoV-2. GS. Phan Trọng Lân khẳng định, vaccine giúp cơ thể có miễn dịch, giảm nguy cơ mắc, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong khi nhiễm bệnh. Tiêm vaccine mũi 3-4 sẽ củng cố và duy trì miễn dịch của cơ thể.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ, cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.
Biến thể mới xuất hiện liên tục, kịch bản nào phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta?
SKĐS - Khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập...