Ngày 20/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM có xu hướng giảm nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng ở tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Thống kê mới nhất đến ngày 16/6, TP ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, với 274 ca sốt xuất huyết nặng. Số ca bệnh tăng 117,3 % so với cùng kỳ năm 2021 (7.388 ca); trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 274 ca, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần, TP.HCM ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong do bệnh này từ đầu năm đến nay lên 9 trường hợp.
Trong tuần 24, toàn TP ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng 13 ổ dịch mới so với tuần 23. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (Quận 12); phường Linh Xuân (TP Thủ Đức); xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh); xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn).
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành HCDC nhận định, thông thường, cao điểm của dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 10, tuy nhiên hiện nay chưa tới mùa cao điểm nhưng số ca mắc, số ca nặng và tử vong đều tăng. Vấn đề này hết sức báo động.
“Sốt xuất huyết có triệu chứng cơ bản là sốt và xuất huyết. Giai đoạn sốt không nguy hiểm nhưng khi hết sốt mới nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh, người nhà hay chủ quan khi bệnh nhân hết sốt. Bên cạnh đó, không phải lúc nào cũng thấy rõ ràng bệnh, không phải xuất hiện ở bên ngoài mà nhiều khi xuất huyết trong nội tạng”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Ông Tâm cũng cho biết, cách phòng ngừa sốt xuất huyết đơn giản là không để có lăng quăng, không cho muỗi có nơi trú ẩn, không để phát sinh muỗi và không để muỗi chích. Sở Y tế đang tham mưu UBND TP.HCM thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh diệt lăng quăng, diệt muỗi cơ bản giống “ngày chủ nhật xanh”. Mỗi tuần dành ra một ngày để phát quang, dọn dẹp nước đọng, rác thải...