Trang Chủ > Sức khỏe > Tìm lối ra cho 'máy mượn, máy đặt'

Tìm lối ra cho 'máy mượn, máy đặt'

Tuổi Trẻ
10/07/2022 09:09:06

TTO - Doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị vật tư y tế được xem là đơn vị đứng giữa bệnh viện và cơ quan quản lý nhà nước. Họ hiểu khá rõ các bất cập cũng như nhiều 'thỏa thuận ngầm' trong mượn - đặt máy tại các cơ sở y tế.

  • Tiếp tục thanh toán BHYT với dịch vụ thực hiện bằng máy đặt, máy mượn
  • Lại lùm xùm máy mượn, máy đặt tại bệnh viện công
  • Lấn cấn thanh toán BHYT đối với dịch vụ trên máy đặt, máy mượn ở bệnh viện: Giải quyết ra sao?

Một giám đốc doanh nghiệp vật tư y tế khá lớn ở Việt Nam cho rằng lùm xùm xoay quanh các hệ thống máy mượn - đặt (phổ biến là đặt) trong các bệnh viện là một điều không đáng có.

Bởi lẽ hình thức này đã được áp dụng từ lâu ở hầu hết các bệnh viện và có đánh giá là "được nhiều hơn mất", góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế cho bệnh viện và chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân.

Khả năng "bắt tay", lạm dụng chỉ định cao

Theo tìm hiểu, hiện có hai loại máy đang được các bệnh viện mượn, đặt nhiều bao gồm chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Trong đó, mục tiêu của doanh nghiệp khi đặt máy xét nghiệm là thu lợi nhuận từ việc bán hóa chất độc quyền.

"Hầu hết các máy đặt đều theo dạng hóa chất đóng, tức độc quyền phân phối hóa chất. Bản chất của doanh nghiệp đầu tư phải có lợi nhuận, lúc đó họ phải cộng tất cả các chi phí sao cho đảm bảo thu hồi vốn. Như vậy giá hóa chất sẽ tăng lên so với giá mặt bằng chung", giám đốc doanh nghiệp trên nói.

Theo ông, thường với các máy đặt, doanh nghiệp cung ứng sẽ "hứa hẹn" chiết khấu cao. Do đó, khi một đơn vị được gọi vào bệnh viện đặt máy, mọi vấn đề "không hoàn toàn trong sáng".

Việc này có thể hiểu lãnh đạo bệnh viện và doanh nghiệp có thể cơ cấu giá theo thỏa thuận, điều này sẽ kéo theo việc lạm dụng các chỉ định nhằm tối ưu việc khai thác và thanh toán các dịch vụ từ máy đặt, máy mượn.

Cứ nằm trong danh mục bảo hiểm y tế là chỉ định tối đa để bảo hiểm thanh toán hoặc nếu bảo hiểm y tế không thanh toán bệnh nhân sẽ bù tiền.

Cũng theo giám đốc doanh nghiệp trên, từng có lãnh đạo một địa phương can thiệp cho công ty "ruột" được đặt máy trong bệnh viện. Vị này dẫn chứng một mẫu xét nghiệm máu tính theo 1 chỉ số đường huyết thì tiền hóa chất mất khoảng 3.000 đồng, nhưng cơ cấu giá được tính cao lên từ 5.000 - 7.000 đồng.

Từ đó kéo theo đầu vào của bệnh viện sẽ tăng, nguồn thu giảm và khoản chênh lệch sẽ được gửi lại cho một số lãnh đạo bệnh viện.

Kiểm soát cách nào?

Một giám đốc doanh nghiệp cung ứng vật tư y tế khác ở TP.HCM lại cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Bộ Tài chính có công văn yêu cầu không thực hiện máy mượn hoặc cho phép máy đặt trong bệnh viện. Ông cho rằng có thể cơ quan quản lý đã nhận thấy có sự "bắt tay" giữa bệnh viện và đơn vị cho mượn - đặt máy.

Ông nói: "Hình thức này tốt nhưng không tránh khỏi việc một số cá nhân có động cơ lạm dụng trục lợi, đây là điều khiến mọi người đánh giá vấn đề theo một lăng kính tiêu cực mà chưa nhìn khách quan về các hiệu quả mà hình thức này mang lại. Do đó thay vì cấm, theo tôi phải "kiểm soát quyền lực" bằng cơ chế quản lý chặt chẽ hơn".

Với tư cách là một doanh nghiệp thường xuyên liên hệ bệnh viện "xí chỗ" đặt máy, ông này nói rằng trong cơ chế làm dự án đấu thầu trang thiết bị lớn và cơ chế liên doanh - liên kết chỉ trừ một thứ có thể minh bạch được, đó là đấu thầu vật tư tiêu hao hóa chất thường xuyên sử dụng.

Bởi đây là sản phẩm có giá trị thấp, không thể "cài cắm" được nên đỡ được vấn đề tiêu cực. Còn lại tất cả các loại máy móc đưa lên, máy càng to, dự án càng lớn thì cơ chế "bắt tay" càng sâu!?

"Không thể dừng"

Đó là khẳng định của giám đốc một bệnh viện lớn tại TP.HCM liên quan đến việc Bộ Tài chính nhiều lần "tuýt còi" nhưng Bộ Y tế và các bệnh viện không dừng hình thức máy mượn - đặt trong bệnh viện.

"Nếu sợ công ty làm giá thì đàm phán giá rồi thống nhất toàn quốc. Hơn nữa, hiện nay các công ty đa quốc gia đều chốt giá bán trên toàn thế giới như giá điện thoại và xe hơi. Theo tôi, đây là hiện thực khách quan, không nên cố chấp để rồi mất niềm tin vào cán bộ cũng như ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân", vị này nói.

HOÀNG LỘC