Phụ nữ ở TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam có xu hướng sinh nhiều con hơn nhưng vẫn ở mức thấp so với tổng tỉ suất sinh của các nước.
Một ông bố hạnh phúc đón thành viên mới từ tay bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương
Sáng 26-9, bên lề hội nghị nhân Ngày Tránh thai thế giới, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết tổng tỉ suất sinh đang có xu hướng tăng ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, mặc dù vẫn còn rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước.
Trước đó, thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cho thấy địa phương này hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Tổng tỉ suất sinh năm 2021 của TP HCM là 1,48 con/phụ nữ, con số này năm 2017 là 1,35 con/phụ nữ. Tỉ số giới tính khi sinh hằng năm được duy trì ở mức hợp lý từ 106 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái.
Theo ông Tú, năm 2021 tỉ suất sinh của cả nước vượt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 tuổi). Đây là một tín hiệu vui. Nguyên nhân có thể có tác động của đại dịch Covid-19 làm cho mọi người được gần nhau hơn.
Tuy nhiên, để duy trì mức sinh thay thế, các địa phương đang xây dựng đề án nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên phạm vi toàn quốc theo hướng giảm sinh ở nơi có mức sinh cao; sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì mức sinh ở nơi đã đạt mức sinh thay thế.
Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy khoảng 17,4% phụ nữ Việt Nam đã phá thai, tỉ lệ cao nhất ở độ tuổi 25-29, trong đó 21,8% đã từng phá thai hai lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất ba lần trong đời. Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê, UNICEF và UNFPA thực hiện, tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%. Tỉ lệ này cao hơn 6,1% so với điều tra tương tự năm 2014.
Ở các tỉnh/thành phố có mức sinh cao, cần tập trung đầu tư hoàn thành chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai, ưu tiên đảm bảo thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và các chi phí dịch vụ kèm theo; tận dụng lợi thế của chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028, do đó nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.
Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Trong thời gian tới, ngành dân số chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai. Hiện có nhiều biện pháp tránh thai như baּo caּo sּu, thuốc tránh thai...
Nguồn Tin: