Trang Chủ > Sức khỏe > Thường xuyên đau bụng tưởng rối loạn tiêu hóa, đi khám mới biết ung thư

Thường xuyên đau bụng tưởng rối loạn tiêu hóa, đi khám mới biết ung thư

Dân trí
26/09/2022 09:39:41

Thường xuyên cảm thấy đau bụng nhưng bà P.T.T., 52 tuổi (sống tại Quảng Ninh) chỉ nghĩ đơn giản mình bị rối loạn tiêu hóa nên không đi khám kiểm tra.

Chỉ đến khi xuất hiện đau bụng nhiều, người mệt mỏi, sút cân, đại tiện phân lỏng, người bệnh mới đến Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để kiểm tra.

Qua thăm khám, nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối u lớn ở đại tràng, tiến hành làm xét nghiệm sinh thiết phát hiện ung thư đại tràng phải biến chứng bán tắc ruột và chảy máu.

Thường xuyên đau bụng tưởng rối loạn tiêu hóa, đi khám mới biết ung thư-1

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt nửa đại tràng phải có khối u kèm theo vét hạch. Nhận định trong mổ các bác sĩ thấy tổn thương u đại tràng phải kích thước lớn khoảng 15x10x8cm gây bán tắc ruột và chảy máu tại bề mặt khối u trong lòng ruột.

Theo BSCKI Trịnh Công Định, với tổn thương u đại tràng của người bệnh, thông thường bệnh đã có thời gian tiềm tàng, tiến triển trước đó một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, với triệu chứng này, một số người lầm tưởng rằng đó là rối loạn tiêu hóa hoặc viêm đại tràng mà không đi khám hoặc kiểm tra.

BS Định dẫn chứng một trường hợp khác là bệnh nhân V.V.B. cư trú tại phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên. Trước nhập viện khoảng một tháng, người bệnh đi đại tiện có máu đỏ tươi, thỉnh thoảng thấy đau bụng. Khi đến bệnh viện để kiểm tra thì phát hiện ung thư trực tràng.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân, việc thực hiện các phương pháp sàng lọc có thể giúp phát hiện sớm các khối u khi còn rất nhỏ, từ đó có cơ hội điều trị khỏi bệnh, tiên lượng tốt hơn và chi phí điều trị bệnh ít tốn kém hơn.

Phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa là nội soi kiểm tra đại tràng và dạ dày định kỳ. Bên cạnh đó là phương pháp xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân.

BS Định nhấn mạnh: "Các trường hợp có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, chất nhầy, có thể có đau bụng... thậm chí, nếu trước đó chưa từng mắc bệnh gì mà bất ngờ có biểu hiện trên, cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để phát hiện sớm bệnh ung thư.

Trên thực tế, đã có một số người không có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mà chỉ đau bụng, gầy sút cân, thiếu máu... nhưng đi khám thì đã phát hiện ra bệnh ung thư. Bên cạnh đó có một số dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa có thể gặp như: chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đại tiện bất thường…".