Trang Chủ > Sức khỏe > Thuốc chữa đau xương khớp đắt tiền chưa hẳn là tốt

Thuốc chữa đau xương khớp đắt tiền chưa hẳn là tốt

Zingnews
22/07/2022 09:08:03

Anh L.T.Q. (Tây Hồ, Hà Nội) đến một nhà thuốc trên phố Đại Cồ Việt (Hà Nội) để hỏi mua thuốc thảo dược điều trị đau xương khớp. Anh cho biết mẹ nhờ tìm mua loại thuốc này vì hàng xóm đang dùng nên cũng muốn thử.

Tìm mua thuốc được "mách", quảng cáo nhiều

"Mẹ tôi năm nay gần 60 tuổi, có dấu hiệu lão hóa xương khớp nên cũng thường xuyên kêu đau nhức tay, chân. Tôi nhiều lần khuyên bà đi khám tại bệnh viện nhưng không chịu. Đây cũng không phải lần đầu mẹ nhờ tôi đi tìm mua một loại thuốc điều trị xương khớp nào đó. Cứ có người mách hay thấy quảng cáo trên tivi, mẹ tôi sẽ mua về dùng", anh Q. nói.

Tương tự, P.T.T.H. (23 tuổi, Hà Nội) cho biết mẹ chị cũng là "fan" của các loại thuốc thảo dược, Đông y. "Mẹ tôi mua khá nhiều, đủ các loại với nhiều mức giá từ vài chục đến vài trăm nghìn. Bà không chịu dùng thuốc Tây y vì sợ hại sức khỏe. Tình trạng đau nhức cũng chưa thấy được cải thiện", chị H. nói.

Thuốc chữa đau xương khớp đắt tiền chưa hẳn là tốt-1

Một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe xương khớp phổ biến trên thị trường. Ảnh: PA.

Ông P.V.K. (53 tuổi, Phú Thọ) thường xuyên phải lao động nặng, các khớp cổ tay, đầu gối bị đau nhức, thậm chí mất ngủ, suy nhược. Ông đến hiệu thuốc gần nhà, được bán cho một ít thuốc giảm đau và 2 hộp Xương khớp Nhất Nhất. Sau vài ngày dùng 2 loại thuốc này, tình trạng đau khớp có giảm nhưng khi hết thuốc giảm đau chúng lại tái phát. Ông tiếp tục uống loại thuốc còn lại nhưng tác dụng không rõ rệt.

"Sau hơn một tháng, tôi vẫn đau nhức nhiều nên quyết định đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị thoái hóa khớp, được kê thuốc kết hợp châm cứu trị liệu. Sau hơn 2 tháng điều trị, sức khỏe cải thiện nhiều", ông K. cho biết.

Muôn vàn giá

Dược sĩ N.T.K.L., chủ hiệu thuốc trên phố Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay nhu cầu mua thuốc điều trị đau nhức xương khớp của người dân khá nhiều. Một số người nghe theo tư vấn của dược sĩ để điều trị. Tuy nhiên, số lượng khách hàng mang theo hình ảnh hay vỏ một loại thuốc nào đó đến để tìm mua chiếm đa số. Một số loại người dân hay tìm mua như Xương khớp Nhất Nhất, viên xương khớp Khương Thảo Đan, viên khớp Tâm Bình, An Khớp TW3, Cốt Thoái Vương...

"Nhiều loại thuốc có thành phần tương đối giống nhau nhưng giá cả chênh lệch gấp 2-3 lần. Tôi tư vấn họ mua loại thuốc rẻ hơn để tiết kiệm nhưng khách hàng không muốn, họ thấy loại nào được quảng cáo nhiều sẽ tin tưởng hơn.

Thuốc chữa đau xương khớp đắt tiền chưa hẳn là tốt-2

Hiệu thuốc trên phố Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: PA.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp đau nhức nặng, cần thăm khám tại bệnh viện để được kê đơn điều trị nhưng người dân nhất quyết muốn mua thuốc được người quen hay biết qua quảng cáo dùng thử rồi khám bệnh sau", dược sĩ L. nói.

Trên các trang thương mại điện tử, người dân cũng có thể dễ dàng tìm mua các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe này. Mức giá giao động từ trên 100.000 đồng đến hơn 600.000 đồng/hộp hoặc lọ.

Thành phần chủ yếu từ các loại thảo dược. Chúng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, đau mỏi cơ bắp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp; hỗ trợ mạnh gân cốt, tăng cường lưu thông khí huyết.

Có cần thiết phải sử dụng?

Bác sĩ Calvin Q Trịnh, thạc sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng ở Mỹ, hiện công tác tại Bệnh viện 1A (TP.HCM), cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây đau cơ xương khớp. Để dễ hình dung, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm chính.

Nhóm 1 bao gồm các nguyên nhân gây hoặc đi kèm tổn thương thực thể như chấn thương gãy, nứt, trật khớp, đứt dây chằng, tổn thương sụn, bao hoạt dịch, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, loãng xương, lao xương, rách cơ, xơ cơ...

Nhóm 2 bao gồm đau cơ xương khớp do cơ năng hoặc các nguyên nhân không đi kèm tổn thương thực thể. Trong đó, đau cơ xương khớp do nguyên nhân cơ học chiếm tỷ lệ đại đa số. Thời tiết lạnh, thừa cân, béo phì, tập thể thao quá mức, lao động nặng nhọc, sau nhiễm virus, stress, duy trì việc sai tư thế cũng khiến xương khớp bị lệch vẹo, cảm thấy đau nhức. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghệ 4.0, việc đau vai gáy, cổ hay cột sống rất phổ biến do tư thế xấu, liên quan dùng smartphone hay ngồi văn phòng.

Đáng chú ý, các tổn thương thực thể sau khi đã điều trị nguyên nhân thành công, cơ chế đau khi đó lại tương tự với nhóm đau cơ năng do mất đi sự cân bằng mối tương quan về mối quan hệ giữa chiều dài các cơ, trương lực cơ và ngẫu lực cơ xung quanh ổ khớp.

Việc thay đổi áp lực lên bề mặt khớp gây đau, căng cơ, mỏi cơ. Điều trị đau cơ xương khớp nguyên nhân thực thể thường là phẫu thuật, thủ thuật khi không thể hay điều trị bảo tồn không đem lại kết quả. Bệnh nhân được kết hợp các loại thuốc giảm đau non steroid hoặc tiêm corticoid.

Theo vị chuyên gia này, các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ lướt qua nguyên nhân và cơ chế gây bệnh đau cơ xương khớp.

"Chúng ta thấy rõ ràng là không hiệu quả và không thay thế được thuốc hay các phương pháp điều trị khác. Bệnh nhân không thể tự điều trị chỉ bằng nghe quảng cáo các sản phẩm này. Chúng chỉ có giá trị bổ sung điều trị như tên gọi trong một số trường hợp rõ ràng như bổ sung canxi cho bệnh loãng xương hay bổ sung sắt cho bệnh thiếu máu do thiếu sắt", bác sĩ Calvin Q Trịnh nói.

Thuốc chữa đau xương khớp đắt tiền chưa hẳn là tốt-3

Bác sĩ Calvin Q Trịnh, thạc sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng ở Mỹ, hiện công tác tại Bệnh viện 1A (TP.HCM). Ảnh: BSCC.

Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Kiều Nga, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Dương, cho hay nhà sản xuất khi quảng cáo các loại thực phẩm chức năng luôn kèm theo lưu ý: "Sản phẩm này không là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh". Vì vậy, người dân không thể coi việc dùng chúng là cách điều trị chính, bỏ qua việc thăm khám tại các cơ sở y tế.

"Người có bệnh bắt buộc phải đi khám và có chỉ định của bác sĩ. Kể cả với thuốc từ thảo dược, thành phần phải do bác sĩ kê đơn, cân nhắc vị thuốc, liều lượng, tương tác thuốc và tác dụng cho mỗi bệnh khác nhau. Thực tế, thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh", bác sĩ Kiều Nga nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh không ít người dân dùng thuốc theo quảng cáo, không đi khám, thậm chí có trường hợp bỏ thuốc của bác sĩ kê đơn. Đây là hành động sai lầm nối tiếp sai lầm, sẽ để lại hậu quả khó lường.

Một tiến sĩ, dược sĩ tại Mỹ cũng cho rằng những loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đông y rất khó đánh giá được tác dụng.

"Trong thành phần, nhà sản xuất chỉ ghi tên dược liệu. Trong thuốc dược liệu, chúng có rất nhiều hoạt chất khác nhau. Ví dụ, nhiều thành phần thường có trong các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên là độc hoạt, tang ký sinh, xuyên khung..., chúng có tới cả nghìn chất. Phương pháp chiết xuất khác nhau sẽ cho ra sản phẩm khác nhau", vị chuyên gia này cho hay.

Ông cũng lấy một ví dụ khác với cây hy thiêm (hay còn gọi cây cứt lợn) một loại thảo dược hỗ trợ điều trị phong thấp, lưng mỏi, gối đau. Tất cả nghiên cứu chỉ thử trong phòng thí nghiệm, không có thử nghiệm lâm sàng (trên người). Để biết có tác dụng hay không, chúng hoàn toàn chưa được chứng minh. Người dân sử dụng giống như đang "ăn rau".

"Một số dược liệu cũng có dược tính cao như xuyên tâm liên, lá trúc đào. Tuy nhiên, đa phần dược liệu là ngưỡng an toàn cao, nhất là uống dạng thô. Chúng sẽ không có tác hại gì với cơ thể, ngoài tốn tiền", vị tiến sĩ nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, trường hợp bệnh nhân vẫn muốn dùng thêm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung nên căn cứ vào uy tín của nhà sản xuất, không có việc sản phẩm càng đắt tiền thì càng hiệu quả.

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cần kiểm tra ngay

Tôi thường xuyên tập gym để cải thiện sức khỏe. Gần đây, tôi thích tập tạ nặng và có dấu hiệu đau nhiều ở vùng thắt lưng. Xin hỏi bác sĩ có phải tôi bị thoát vị đĩa đệm không?