Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 16, diễn ra vào sáng 6/8, tại Trụ sở Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
"Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch"
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp Ban Chỉ đạo trước diễn biến mới của tình hình dịch COVID-19; từ đó đánh giá và đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong thời gian tới để tiếp tục kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên cả nước.
Chia sẻ khó khăn, vất vả, hy sinh, mất mát của các lực lượng tuyến đầu, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong suốt hơn 2 năm qua phải chịu tác động của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nhờ sự hy sinh, cống hiến của nhiều lực lượng, chúng ta đã kiểm soát tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang nỗ lực, tích cực giải quyết, khắc phục hậu quả do tác động của đại dịch trong thời gian qua; đặc biệt, nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhấn mạnh tình hình dịch nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó định đoán, nhiều biến chủng mới xuất hiện, trong khi kháng thể vaccine giảm dần theo thời gian, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, dứt khoát không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không được "say sưa, ngủ quên" trước những kết quả đã đạt được. Chúng ta phải tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, nhất là Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; tập trung nắm chắc và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh. Các địa phương chủ động, tích cực phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo sát sao theo thẩm quyền được giao.
Theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những công việc trong phạm vi được phân công; phải chủ động, tích cực trên tinh thần công khai, minh bạch, tránh tâm lý sợ sệt.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Mục tiêu chúng ta đặt ra là dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Các cơ quan, đơn vị, địa phương để dịch bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Trong tháng 8/2022 phải thực hiện mục tiêu tiêm đủ mũi vaccine thứ 3, thứ 4 cho các đối tượng cần tiêm, mũi thứ 2 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine. Đây là vũ khí quan trọng nhất, quyết định việc phòng, chống dịch COVID-19 cũng như một số dịch bệnh khác”.
Song song đó, Bộ Y tế hoàn thiện rõ mục tiêu và trách nhiệm trong việc đảm bảo đủ vaccine phòng COVID-19; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy tổ chức tiêm phòng tại các địa phương; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị và các điều kiện phòng, chống dịch nói chung, trong đó có dịch COVID-19; chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Khẳng định một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch COVID-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thúc đẩy hồi phục kinh tế nhanh và phát triển bền vững”. Cùng với đó, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết trước hết để hành động”; “phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm từ xa, ngay từ cơ sở”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine cũng như phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác”; “tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 là nghĩa vụ, là quyền lợi, trách nhiệm của người dân”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác tiêm chủng, đảm bảo đủ vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Bộ Tài chính phải phản ứng chính sách nhanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời đưa ra các hướng dẫn về thủ tục đấu thầu liên quan tới mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Vừa qua, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng, thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.488 lượt người sử dụng lao động và trên 49,94 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tích cực triển khai, đôn đốc các địa phương làm tốt hơn một số chính sách hỗ trợ còn hạn chế trong thời gian qua.
Về sản xuất và lưu thông hàng hóa, Thủ tướng nêu rõ, kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm và sinh kế cho người dân; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Cùng với việc nắm chắc tình hình nhân dân, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hợp pháp và đóng góp phù hợp với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch. Bộ Công an tiếp tục bảo đảm an toàn, an ninh, an dân, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, thông tin sai sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước.
Nhấm mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, có kế hoạch tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt và bài bản để vận động tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức của người dân, biến nguy thành cơ; tập trung tuyên truyền và lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt của các cán bộ, chiến sỹ hy sinh vì sức khỏe, tính mạng của người dân; phê phán những cá nhân mất ý chí chiến đấu, sợ sệt; từ đó, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các điểm tiêm
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trước đó, phát biểu trực tuyến tại Phiên họp, lãnh đạo các địa phương thống nhất cao với báo cáo của Ban Chỉ đạo về việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên cả nước nhưng diễn biến tình hình còn rất phức tạp, khó lường, khó định đoán, nhiều yếu tố bất ngờ; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19…
Là địa phương có tỷ lệ tiêm 3 mũi trở lên cho người trên 18 tuổi cao so với cả nước, đại diện tỉnh Nghệ An cho biết, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 được duy trì và triển khai liên tục. Tính đến ngày 4/8/2022, số người trên 18 tuổi tiêm đủ các mũi cơ bản đạt 104%, tỷ lệ người tiêm mũi 3 đạt 99,5%, tỷ lệ tiêm mũi 4 đạt 26,5%... Với đặc thù địa bàn rộng, tỉnh Nghệ An đã bố trí trên 500 điểm tiêm, trong đó có 460 điểm tiêm cố định, trực 24/24 giờ, triển khai tiêm ngay khi được phân bổ vaccine trên tinh thần “bất cứ giờ nào cũng có thể tiêm ngay”. Ngoài ra, các điểm tiêm lưu động được bố trí tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp có đông công nhân. Nhờ đó các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trở lại bình thường; đời sống, tâm lý người dân ổn định, tin tưởng vào cấp ủy đảng, chính quyền.
Tương tự Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre là những địa phương thực hiện hiệu quả, nghiêm túc việc triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi. Tỷ lệ người tiêm mũi 3, mũi 4 toàn tỉnh Thanh Hóa lần lượt đạt 95%, 68%; tỉnh Bến Tre đạt lần lượt 95,4%, 54%. Chia sẻ kinh nghiệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh một số kinh nghiệm: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong triển khai tiêm vaccine; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong phòng dịch bệnh; tổ chức tiêm an toàn, đúng quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các điểm tiêm chủng...
Tại Phiên họp, đại diện các địa phương đề xuất, Chính phủ quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; có cơ chế đặc thù trong mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất thống nhất toàn quốc để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp cấp bách... Bên cạnh đó, Bộ Y tế sớm điều chỉnh, cập nhật các biện pháp phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu vực đông người… phù hợp với từng giai đoạn; tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm trong phòng, chống dịch cho các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, rà soát, nâng cấp, bổ sung các tính năng thuận tiện, chính xác hơn đối với hệ thống tiêm chủng quốc gia để phục vụ quản lý tiêm chủng phòng COVID-19...