Trang Chủ > Sức khỏe > Thời gian một người có thể tái mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh

Thời gian một người có thể tái mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh

Zingnews
30/07/2022 09:12:29

Chỉ cách đây một năm, các chuyên gia vẫn tin khỏi Covid-19 cho chúng ta một số khả năng miễn dịch ngắn hạn tránh bị nhiễm lại. Nhưng các dòng phụ của Omicron mới đang phá vỡ xu hướng đó. Đặc biệt, BA.5 khiến nhiều người mắc Covid-19 lần hai, thậm chí lần 3.

Làn sóng tái mắc gia tăng

Theo Seattle Times , nhiều nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ tái nhiễm đang tăng lên. Theo công ty cung cấp dữ liệu Helix của Mỹ, trong số gần 300.000 trường hợp nhiễm bệnh từ tháng 3/2021, tỷ lệ tái nhiễm gần như tăng gấp đôi lên 6,4% khi làn sóng BA.5 xuất hiện vào tháng 7. Con số này trong tháng 5 là 3,6%.

Dữ liệu Helix cho thấy hầu hết ca tái nhiễm vào tháng 7 đều xảy ra ở những người đã mắc Covid-19 lần một vào năm 2021. Các chuyên gia dự đoán tỷ lệ tái mắc vẫn sẽ tăng đến từ hai nguyên nhân. Đầu tiên là BA.5 rất dễ lây lan. Thứ hai là ở nhiều nơi, đa số người dân đã mắc Covid-19 ít nhất một lần.

Đầu đại dịch, tốc độ các chủng như Delta bị thay thế không nhanh. Những người mắc Covid-19 có một số biện pháp bảo vệ chống lại tái nhiễm trong vài tháng. Nhưng hiện nay, các chủng mới lần lượt quét các nước.

Riêng tại Mỹ, từ tháng 4, các chủng như BA.2, BA.2.21.1 xuất hiện liên tiếp, và từ tháng 5 là BA.5. Vì vậy, những người từng mắc biến chủng trước Omicron vào mùa xuân trở về trước dễ tái mắc chủng khác đang lây lan vào mùa hè hoặc mùa thu này.

Thời gian một người có thể tái mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh-1

BA.5 là chủng chiếm 66% các ca mắc Covid-19 ở bang Florida, Mỹ. Nó khiến nhiều người mắc bệnh lần thứ 2 thậm chí thứ 3. Ảnh: Joe Raedle.

Bao lâu sau khi khỏi bệnh sẽ bị tái mắc?

Các chuyên gia đưa ra những câu trả lời khác nhau về vấn đề này. Điều này càng trở nên khó khăn khi nhiều quốc gia, nhiều người ngừng xét nghiệm.

Một số quan điểm cho rằng cơ hội tái mắc Covid-19 sẽ cao hơn nếu ai đó đã bị nhiễm virus hoặc tiêm vaccine trước năm 2022. Theo bà Shishi Luo, Phó giám đốc Tin sinh học và bệnh truyền nhiễm tại Helix, dữ liệu của họ cho thấy trung bình những người đang bị tái mắc là người đã nhiễm bệnh khoảng 9 tháng trước.

Vậy điều này có nghĩa người mới mắc Covid-19 trong vài tháng gần đây sẽ không bị lại trong mùa hè hoặc mùa thu này không? Câu trả lời cũng không thống nhất.

Một nghiên cứu mới cho rằng nhiễm Omicron trước đó có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ khỏi BA.5 - chủng virus mới nhất. Khi phân tích các ca Covid-19 được ghi nhận ở Qatar trong khoảng thời gian từ ngày 7/5 (khi BA.4 và BA.5 lần đầu tiên xuất hiện ở nước này) và ngày 4/7, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiễm Omicron trước đó giúp ngăn ngừa tái nhiễm có triệu chứng BA.4 và BA.5 lần lượt là 79,7%, 76,1%.

Thời gian một người có thể tái mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh-2

Tình trạng tái mắc ngày càng phổ biến khiến nhiều người nhiễm nCoV trở lại chỉ sau thời gian ngắn. Ảnh: Sun Sentinel.

Tiến sĩ Michael Daignault, Trung tâm Y tế Providence Saint Joseph ở Burbank, California, Mỹ, cho biết: “Về cơ bản, bạn có nguy cơ bị tái nhiễm cao hơn gấp 7 lần nếu trước đó, bạn nhiễm chủng khác ngoài Omicron. Khả năng miễn dịch từ một lần nhiễm Omicron thực sự bảo vệ bạn khỏi các dòng phụ khác của nó ở mức độ nào đó, nhưng không có gì chắc chắn 100%".

Ông Daignault cũng tham khảo một công trình của nhóm chuyên gia Đan Mạch đưa ra vào giữa tháng 7. Nghiên cứu này cho thấy khả năng bảo vệ với BA.5 ở những người được tiêm chủng 3 mũi và từng nhiễm Omicron khá cao. Ông Daignault đã mắc Covid-19 lần đầu tiên vào tháng 6 và không lo lắng về nguy cơ tái nhiễm, ít nhất là hiện tại.

“Tôi trẻ, khỏe mạnh, đã được tiêm phòng 3 mũi và mới bị nhiễm bệnh. Tôi cảm thấy được bảo vệ tốt", ông nói thêm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng nguy cơ tái nhiễm khác nhau tùy theo từng cá nhân. Ở một số vùng, các trường hợp tái nhiễm trùng được báo cáo sớm nhất là một tháng.

Tiến sĩ Mary Jo Trepka, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm của Đại học Quốc tế Florida, cho biết một số người cao niên có thể rơi vào tình huống này.

Bà nói: “Nguy cơ tái mắc của bạn có thể phụ thuộc vào việc bạn đã được tiêm phòng hay chưa, tiêm mũi nhắc lại hay không, lần nhiễm virus trước đó như thế nào, cách đây bao lâu. Bởi khả năng phòng vệ của miễn dịch có xu hướng suy yếu theo thời gian. Nó cũng có thể phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe cơ bản của bạn".

Vị chuyên gia nhấn mạnh ngay cả khi miễn dịch với Covid-19 gần đây cũng không thể đảm bảo chúng ta không tái nhiễm trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về những rủi ro sức khỏe mà việc tái mắc Covid-19 lặp lại gây ra. Một nghiên cứu mới từ Đại học Washington đã tìm hiểu vấn đề này.

Nhà dịch tễ học Ziyad Al-Aly, Đại học Washington, tác giả chính của nghiên cứu, đã sử dụng hồ sơ sức khỏe của 5,7 triệu cựu chiến binh Mỹ nhằm đánh giá nguy cơ tái nhiễm. Ông phát hiện mỗi khi nhiễm nCoV, khả năng bị đông máu, tổn thương phổi lại tăng lên. Những rủi ro này vẫn tồn tại cho dù mọi người được tiêm chủng đầy đủ hay không.

Ông Al-Aly nói với WebMD : “Cũng có thể lần nhiễm virus đầu tiên đã làm suy yếu một số hệ thống cơ quan và khiến mọi người dễ gặp rủi ro về sức khỏe hơn khi mắc bệnh lần thứ hai hoặc ba". Nghiên cứu của ông được công bố ngày 17/6 dưới dạng bản in sẵn, đang chờ phản biện.

Nhưng dù có thế nào, điều các chuyên gia lo lắng nhất đó chính là con người tái mắc ngày càng nhiều, những vấn đề tiềm ẩn ngày càng tăng mà họ không có cách nào nắm bắt được. Nó như thể chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù vô hình.

Dịch bệnh bí ẩn gây chết người xuất hiện ở Tanzania

Giới chức y tế xác định đợt bùng phát căn bệnh chết người ở Tanzania là leptospirosis.

Căn bệnh bị xóa sổ cách đây 50 năm tái xuất ở Mỹ

Bệnh nhân tại New York dường như mang chủng virus có nguồn gốc từ vaccine, đặc biệt họ không có tiền sử du lịch ở nước ngoài.