Nhiều người đã "quên" thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Xuất hiện tâm lý chủ quan
Ghi nhận tại nhiều địa điểm công cộng ở Hà Nội, nhiều người đã “ lãng quên ” chiếc khẩu trang- từng là vũ khí mạnh mẽ chống dịch COVID-19 mới đây. Nhiều người thả ga tụ tập, nói chuyện rôm rả ở ở nơi đông người mà không hề có biện pháp phòng dịch phù hợp. Trong khi đó, những ngày gần đây, Việt Nam vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, số ca COVID-19 nặng cũng có dấu hiệu tăng lên, vẫn liên tục ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Đi tập thể dục một mình nhưng vẫn đeo khẩu trang, chị Trần Thị Thủy (ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi vẫn đeo khẩu trang nghiêm túc từ đầu mùa dịch đến giờ, vì dịch hiện nay chưa hết, lại đang có nhiều bệnh lây nhiễm khác nên việc đeo khẩu trang vẫn rất quan trọng. Nhất là trong các môi trường kín, đông đúc vẫn rất dễ lây bệnh như đi thang máy, trong các bệnh viện, bến tàu xe... tôi thấy nhiều người đã không còn thói quen đeo khẩu trang, tôi nghĩ chúng ta chưa nên chủ quan ở thời điểm này ” .
" Vì chủ quan ít đeo khẩu trang nên tôi mới bị mắc COVID-19 lần thứ 2, tôi cũng không biết mình bị lây nhiễm từ đâu. Trước đó tôi đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng khi mắc lại tôi bị nặng hơn lần trước, rất mệt mỏi, ho dai dẳng mãi chưa dứt”, chị Nguyễn Hồng Hạnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Đeo khẩu trang không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng được nhiều bệnh lây nhiễm khác.
Theo Bộ Y tế, hiện nhiều địa phương đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm các biến thể mới của chủng Omicron như: BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Trong khi đó, nhiều nơi tiến độ tiêm vaccine COVID-19 còn chậm, nhất là tiêm cho trẻ em còn thấp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch có thể diễn biến phức tạp.
Theo đó, mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước ta vẫn cơ bản đang được kiểm soát nhưng thời gian gần đây, số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng tại các cơ sở điều trị. Nhiều ngày, số ca COVID-19 nặng trong ngày tăng lên gần mốc gần 200 ca; đặc biệt, những ngày gần đây liên tục ghi nhận các ca tử vong do COVID-19, có ngày ghi nhận đến 5 trường hợp tử vong.
Để đảm bảo kiểm soát dịch trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang khuyến cáo mạnh mẽ người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm: 2K (Khẩu trang- Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp như: Đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống COVID-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Bộ Y tế vẫn đang liên tục khuyến cáo người dân tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn để phòng bệnh.
Ý thức người dân là rất quan trọng
Trao đổi về ý thức của người dân trong phòng dịch hiện nay, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết: “Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong và ngoài ngành y tế cần quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại. Bộ Y tế cũng đã phát động Chiến dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với thông điệp 2K+ để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch giúp người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông để lan toả mạnh mẽ thông điệp đến cộng đồng xã hội, để người dân nâng cao nhận thức, duy trì hoặc thay đổi hành vi, tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch ” .
Theo đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới; mùa đông- xuân sắp đến, các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, việc thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết.
Cùng với nâng cao ý thức người dân, Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại (mũi 3, mũi 4) cho các đối tượng theo hướng dẫn; cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5- dưới 12 để bảo vệ trẻ khi đến trường.
" Chúng tôi cho rằng việc mỗi người dân tuân thủ thực hiện thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế không chỉ bảo vệ sức khoẻ của bản thân mà còn bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cả cộng đồng để chúng ta cùng nhau sống an toàn trong đại dịch, ông Nguyễn Đình Anh khuyến cáo.