TTO - Gia hạn các hợp đầu trúng thầu trước đây từ 6 tháng đến 1 năm và xác định thế nào là "tình huống cấp bách" là 2 vấn đề được giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc chiều 30-6.
- 40 bệnh viện, sở y tế trên cả nước báo cáo thiếu thuốc
- Họp khẩn về thiếu thuốc, Thủ tướng yêu cầu sai thì sửa, không để sợ sai không dám làm
- Ông Nguyễn Tri Thức: 'Tâm lý e ngại khi mua sắm dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế'
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hai vấn đề - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Trong chuyến làm việc tại TP.HCM về tình hình phòng chống, điều trị dịch sốt xuất huyết và tiêm ngừa COVID-19, ngày 30-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị tuyến cuối hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế.
Nhiều khó khăn và hai kiến nghị
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng mong muốn được nghe cụ thể về tình hình khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thiếu vật tư và thiếu thuốc từ những người "trong cuộc", trực tiếp tham gia vào công việc này.
Ông Huỳnh Hữu Pho - trưởng phòng trang thiết bị y tế Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện nay một số trang thiết bị trong bệnh viện đã cũ, lỗi thời và cần được mua sắm thay thế. Tuy nhiên khi triển khai gặp một số khó khăn khi xác định giá kế hoạch. Tương tự về thuốc khi xây dựng giá kế hoạch cũng phải tra thông tin, nhưng khổ nỗi có đến 4 trang tra khảo giá làm mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra trên các cổng thông tin của Bộ Y tế có công khai giá trúng thầu, tuy nhiên các thông tin kèm theo chưa được đầy đủ về cấu hình, tính năng, kỹ thuật. "Do đó khi xác định giá của thiết bị theo khoản 3, điều 8, thông tư 14 của Bộ Y tế rất khó khăn, nếu cao hơn giá trúng thầu buộc bệnh viện phải giải trình, thuyết minh nhưng không có thông tin về cấu hình, tính năng thì làm sao thuyết minh" - ông Pho băn khoăn.
Bên cạnh đó, thông tư 08 của Bộ Y tế có quy định về định mức các trang thiết bị chung cho các cơ sở y tế, nhưng khi áp vào số ca chụp CT của Bệnh viện Chợ Rẫy chẳng hạn thì chưa thật sự phù hợp. Thời gian gần đây bệnh viện có thông tin chào giá lên cổng thông tin điện tử của đơn vị nhưng các nhà thầu không tham gia hoặc tham gia thì giá không đủ cạnh tranh để lập kế hoạch mua sắm.
"Một bóng đèn của máy chụp CT chỗ khác dùng 1 năm chưa hỏng, còn ở Chợ Rẫy chỉ 3 tháng là hỏng. Cả hóa chất và thiết bị gần như đơn vị sản xuất độc quyền phân phối, do đó khi mua lại dính chỉ định thầu, nhưng không mua thì máy trùm mền" - bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, lý giải thêm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc chiều 30-6 với Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Để giải quyết ngay các vấn đề nêu trên, ông Thức kiến nghị với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hai vấn đề quan trọng.
Thứ nhất , cho phép tất cả các hợp đồng đấu thầu rộng rãi và đã trúng thầu trước đây có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Thứ hai , cần xác định cụ thể thế nào là "tình huống cấp bách" cho phép chỉ định thầu được nêu trong Luật đấu thầu. "Nếu không có định nghĩa cụ thể, khi kiểm tra bệnh viện rất khó lý giải, chưa kể bị đánh giá do bệnh viện không tích cực nên đã cố tình đẩy vào tình huống cấp bách để chỉ định thầu" - ông Thức kiến nghị.
Các bệnh viện "không kêu, cần kiến nghị cụ thể"
Tiếp thu các kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định hiện nay các cơ sở y tế đang thiếu chủ yếu là thuốc và vật tư tiêu hao. Trong tình huống cấp bách này, ông cơ bản tán thành việc cho phép kéo dài hợp đồng trúng thầu trước đó thêm 6 tháng, tuy nhiên nhắc nhở các bệnh viện vẫn phải chủ động "chứ không khéo 6 tháng sau lại kêu thiếu".
Còn việc xác định đâu là "tình huống cấp bách", ông Tuyên cho rằng việc này chỉ riêng Bộ Y tế không thể giải quyết mà cần phải bàn với Bộ Tài chính.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định các ý kiến nêu trên đều là tiếng nói của "người thật, việc thật", và yêu cầu Bộ Y tế cần phải thừa nhận và nhìn nhận để đề xuất các hướng tháo gỡ, tránh việc đề xuất mang tính khẩu hiệu, không giải quyết được vấn đề. "Việc thiếu thuốc và vật tư y tế là có thật, không chỉ thuốc quý hiếm mà ngay cả các loại thuốc thông thường giá rẻ cũng thiếu" - ông Đam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế "lệnh" cho các bệnh viện trực thuộc không chỉ "kêu" mà cần có các kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết được vướng mắc. Đồng thời đề nghị giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cố gắng soạn thảo ra các vướng mắc thật cụ thể, gửi kiến nghị Bộ Y tế xem xét.
Ông nói: "Cạnh các giải pháp có tính căn cơ lâu dài, vấn đề cấp bách ngay từ bây giờ mà các bệnh viện phải làm là phải có đề xuất thật cụ thể, chi tiết. Một số điều chưa rõ về mặt khoa học nhưng không trái về Thông tư, Nghị định cần đề xuất sửa đổi, tránh để tâm lý suy diễn do sợ nên không làm".
Ông Đam đề nghị Bộ Y tế kiểm tra lại các thông tin trên cổng thông tin đấu thầu, tránh việc mở ra chỉ mang tính hình thức. "Cổng thông tin của Bộ Y tế phải thiết thực, không phải mở ra để khoe và không được như tờ báo rao vặt" - phó thủ tướng chỉ đạo.
Cần có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia về thuốc hiếm
Về tình hình thiếu thuốc, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết bên cạnh thiếu một số loại thuốc hiếm như giải độc, hiện thiếu chủ yếu liên quan đến thuốc cấp cứu, thuốc dùng để vận mạch. Không phải là thuốc quý hiếm, có nhiều loại thuốc giá rẻ nhưng không có ai tham gia đấu thầu.
Bác sĩ Thảo kiến nghị cần có một cơ chế dự trữ quốc gia và điều phối thuốc riêng, nếu quá hạn mà không kịp sử dụng cũng không thể nói là lãng phí.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm vắc xin mũi 4 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
TTO - Trong buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tiêm mũi vắc xin thứ 4 để khuyến khích người dân đi tiêm, vì sức khỏe của cộng đồng.
HOÀNG LỘC