Thiếu ngủ là tình trạng không có đủ thời lượng của giấc ngủ - có liên quan đến một loạt các bệnh sức khỏe, cả nhẹ và nặng.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia (Ấn Độ) rằng gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận, tác động trao đổi chất, thay đổi nhịp sinh học và phản ứng tiền viêm.
Ngoài một số hậu quả ngắn hạn như căng thẳng, rối loạn về cảm xúc thì nghiên cứu lưu ý rằng thiếu ngủ cũng có một số tác động lâu dài như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, các vấn đề liên quan đến cân nặng, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường týp 2 và ung thư đại trực tràng.
Như vậy, một trong những biến chứng nghiêm trọng của việc ngủ không đủ giấc là nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Nói về vấn đề trên, Tiến sĩ Narendra BS - Chuyên gia tư vấn Nội tiết và Tiểu đường, Bệnh viện Apollo, Bengaluru cho biết mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp giữa thiếu ngủ và bệnh tiểu đường, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đồng tình, Tiến sĩ Srinivasa P Munigoti, Chuyên gia tư vấn Nội tiết, Bệnh viện Fortis, Đường Bannergatta, Bengaluru cho biết: “Đúng là giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe trao đổi chất, bao gồm cả việc kiểm soát đường huyết”.
Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Diabetologia - Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu, thiếu ngủ có thể làm tăng nồng độ axit béo tự do trong máu, kèm theo các tình trạng tiền tiểu đường tạm thời ở nam giới trẻ khỏe mạnh.
Thiếu ngủ cũng làm tăng tình trạng kháng insulin, do đó, việc kiểm soát lượng đường trở nên tồi tệ hơn. Thiếu ngủ vào ban đêm cũng ảnh hưởng đến sự tỉnh táo vào ban ngày. Do đó, nó góp phần tiêu cực vào việc áp dụng một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn ít carb và tập thể dục thường xuyên.
Ngoài ra, thiếu ngủ khiến cơ thể căng thẳng dẫn đến tăng tiết hormone cortisol, còn được gọi là hormone căng thẳng. Sự gia tăng nồng độ cortisol góp phần làm tăng lượng đường trong máu.
Ở một người khỏe mạnh, insulin có thể xử lý sự gia tăng bằng cách tập hợp chất béo, cơ và tế bào gan để hấp thụ glucose từ máu và giữ lượng đường trong máu ổn định.
Còn đối với những người bị bệnh tiểu đường hoặc những người có khả năng mắc bệnh này, insulin của họ không thể hoạt động tốt, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn.