Trang Chủ > Sức khỏe > Thêm nhiều ca sốt xuất huyết nặng từ phía Nam về

Thêm nhiều ca sốt xuất huyết nặng từ phía Nam về

Quân đội nhân dân
05/07/2022 11:56:41

Tại phía Bắc, đã xuất hiện nhiều bệnh nhân đi du lịch hoặc di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra mắc sốt xuất huyết nặng. Theo dự báo của các chuyên gia, tháng 8 sẽ là cao điểm của dịch sốt xuất huyết ở phía Bắc.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương , thời điểm này tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp tới khám sốt xuất huyết mỗi ngày, trong đó có một số ca bệnh sốt xuất huyết đi từ các tỉnh phía Nam về.

Thêm nhiều ca sốt xuất huyết nặng từ phía Nam về-1

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám bệnh nhi bị sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Hằng

Bệnh nhân thứ nhất là bé T.M.T (4 tuổi). Bệnh nhi từ miền Nam ra Hà Nội được một ngày thì sốt cao liên tục, đau họng, đau mỏi người nhiều. Sau 3 ngày điều trị kháng sinh không khỏi, bệnh nhi được người nhà đưa đi thăm khám tại một phòng khám tư. Sau khi xét nghiệm tế bào máu thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, nghi bệnh nhi nhiễm bệnh máu nào đó, phòng khám chuyển bệnh nhi lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Tại đây, sau khi làm xét nghiệm phát hiện bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, ngay lập tức bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân thứ 2 là T.B.N (7 tuổi, người Nam Định) từ Bình Dương ra chơi. Sau khi về Nam Định được 4 ngày, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Sau 3 ngày xuất hiện dấu hiệu, bệnh nhi lên bệnh viện địa phương thăm khám, kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết dengue, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.

Theo TS, BS Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt rất cao, có dấu hiệu chuyển nặng như đau bụng nhiều vùng gan, gan to 4cm dưới bờ sườn, ấn đau, có chảy máu mũi, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu ngày hôm sau xuống chỉ còn 16 (mức tiểu cầu này nếu không có sốt xuất huyết thì có thể theo dõi thêm, nhưng do bệnh nhân chảy máu cam nhiều, khó cầm nên các bác sĩ đã chỉ định truyền tiểu cầu bổ sung).

Qua trường hợp của hai bệnh nhi trên, các bác sĩ cảnh báo khi người bệnh từ vùng dịch về có sốt thì cần nghĩ ngay đến bệnh lý liên quan đặc trưng vùng như tay chân miệng, sốt xuất huyết (miền Nam), miền Bắc có cúm.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch là các tỉnh miền Nam về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu… Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

THÁI SƠN