Ngày 5/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã có cuộc gặp gỡ các cán bộ, nhân viên ngành y tế TPHCM để tìm hiểu những tâm tư, khó khăn và thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.
Buổi gặp gỡ các cán bộ, nhân viên ngành y tế TPHCM của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên (Ảnh: Hoàng Lê).
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có những khó khăn, thách thức mới xuất hiện với ngành y tế địa phương trong giai đoạn hậu Covid-19. Thứ nhất là dịch chồng dịch. Thứ hai là nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế.
Khó khăn thứ ba là việc biến động nguồn nhân lực y tế, khi nhân viên y tế công lập nghỉ việc có xu hướng tăng. Đặc biệt, ông Tăng Chí Thượng bày tỏ sự trăn trở khi gần đây còn có thêm một số cán bộ quản lý y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Cuối cùng là việc xuất hiện tình trạng lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế.
Thông tin về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, ông Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức ngành y tế xin nghỉ việc.
Theo thống kê, trong năm 2021 số nhân viên làm việc của ngành y tế TPHCM là hơn 42.900 người. Đến 6 tháng đầu năm 2022 còn hơn 42.600 người, bao gồm 181 công chức, hơn 27.500 viên chức và hơn 14.800 hợp đồng lao động.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo ông Thượng, con số nhân sự chênh nhau khoảng 300 người, nghe có vẻ không lớn nhưng cũng tạo ra khó khăn không nhỏ. Vì những cán bộ nghỉ là những người có chuyên môn cao và kinh nghiệm, còn người mới vào là những nhân sự trẻ.
Sau khi xác định khó khăn trên, Sở Y tế TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị bị thiếu hụt nhân sự.
Ngoài ra, triển khai một số giải pháp giúp ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế. Có thể kể đến như hoạt động lãnh đạo ngành lắng nghe và trao đổi, mở kênh tư vấn tâm lý, mở các hội thi giúp tăng cường giao lưu, học tập lẫn nhau giữa các loại hình nhân viên y tế…
Từ những thực tế trên, Sở Y tế kiến nghị 6 chính sách đến UBND TPHCM.
Thứ nhất, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành Y tế, trước hết là chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM hiện vẫn khuyết trong thời gian dài vừa qua.
Thứ hai, có cơ chế, chính sách để củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Bệnh viện Mắt TPHCM hiện vẫn chưa có Giám đốc mới (Ảnh: Hoàng Lê).
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, và đến năm 2025 sẽ có chính sách hỗ trợ lâu dài.
Thứ tư, Sở Y tế TPHCM mong muốn TPHCM không giảm số biên chế của ngành Y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.
Thứ năm, có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.
Thứ sáu, Sở Y tế kiến nghị lãnh đạo TPHCM tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, củng cố quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, nhất là vai trò điều phối, tham mưu của Văn phòng UBND TPHCM với hoạt động chăm lo sức khỏe nhân dân.