Trang Chủ > Sức khỏe > Thanh niên trẻ khỏe cũng tử vong vì sốt xuất huyết

Thanh niên trẻ khỏe cũng tử vong vì sốt xuất huyết

Infonet
13/07/2022 10:05:44

Tính đến tuần 27, Thành phố HCM ghi nhận 24.941 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 216,0% so với cùng kỳ năm 2021 là 7.893 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 27 là 1,4% (373/24.941) tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (34/7.893).

Trong tuần 27 (từ ngày 01/07/2022 đến 07/07/2022), Thành phố HCM ghi nhận 2.834 ca bệnh SXH, tăng 307 ca (12,1%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong tuần ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH tại Gò Vấp và Bình Tân. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 13 trường hợp.

Số ca bệnh SXH trong tuần 27 tiếp tục tăng cao ở 18/22 quận huyện, TP. Thủ Đức (trừ trừ Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận). Những quận huyện có số ca bệnh tăng báo động so với trung bình 4 tuần trước là: Quận 4, Quận 7 và Cần Giờ.

Tại Đồng Nai, tình hình dịch sốt xuất huyết cũng căng thẳng khi số ca mắc và tử vong tăng lên.

Nam bệnh nhân N.V.M. (29 tuổi, ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) tử vong ngày 8/7 do mắc sốt xuất huyết sau 6 ngày điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân bệnh nhân tử vong do sốc sốt xuất huyết nặng, hôn mê không đặc hiệu, phù phổi, rung thất, hội chứng suy hô hấp ở người lớn. Đáng nói, tiền sử dịch tễ của bệnh nhân khỏe mạnh.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cả 3 khoa cấp cứu, bệnh nhiệt đới, hồi sức tích cực - chống độc đều đang trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhi mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có nhiều ca nặng bị sốc sốt xuất huyết nặng phải thở máy, lọc máu.

Thanh niên trẻ khỏe cũng tử vong vì sốt xuất huyết-1

Anhr bệnh nhân sốt xuất huyết.

Các bác sĩ cho biết các bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng một phần do cơ địa. Ngoài ra, nhiều trường hợp phát hiện trễ, điều trị không tới, đến lúc phát hiện bệnh đã trở nặng, gây sốc.

Tại công văn hỏa tốc gửi các địa phương ngày 10/7, Bộ Y tế cho biết lý do sốt xuất huyết tăng mạnh là thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tại các gia đình, nhiều ổ bọ gậy (loăng quăng) không được xử lý, chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng.

Một số nơi thiếu hóa chất, thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ điều trị và phòng sốt xuất huyết. Nhân lực y tế dự phòng và điều trị chưa được tập huấn hoặc tập huấn lại về điều trị sốt xuất huyết do hai năm qua tập trung chống Covid-19, đặc biệt ở cơ sở y tế tư nhân.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong nước xuất hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5 và người dân chủ quan phòng dịch, Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết và Covid-19 tiếp tục tăng thời gian tới, dịch bệnh có thể bùng phát diện rộng.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết với 7 nguyên tắc để không có lăng quăng:

1. Ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước: Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.

2. Sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi: Thả các loài động vật ăn lăng quăng như: cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước (mesocyclops), … vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng

3. Sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi: Cho vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực dọng nước các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn, … hoặc các hóa chất chuyên dụng như: Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% để tiêu diệt lăng quăng

4. Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa

5. Loại bỏ vật chứa: Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng

6. Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước: Thay nước và chà rửa kỹ vật chứa nước, thực hiện định kỳ mỗi 5 - 7 ngày 1 lần

7. Thay đổi hình thức trữ nước: Thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.

K.Chi