Tay chân miệng tăng gấp 5 lần cùng kỳ
Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong tuần 25, khu vực miền Bắc ghi nhận 197 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Như vậy, lũy tích năm 2022, khu vực miền Bắc ghi nhận 4.522 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (1.379), số ca mắc tăng 228%.
Đáng chú ý, dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Trong tuần vừa qua, Thủ đô ghi nhận 139 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng nhẹ so với tuần trước đó (108 ca).
Phân bố số ca mắc tay chân miệng theo tuần năm 2021, 2022 của Hà Nội
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 968 ca mắc tay chân miệng và chưa có trường hợp tử vong. Số lượng này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (186 ca).
Theo thống kê đến ngày 30/6, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đều đã ghi nhận ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhất tại Hà Nội là: Chương Mỹ (133 ca), Đông Anh (104 ca), Mê Linh (91 ca).
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì tay chân miệng cũng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
Theo nhận định của ngành y tế Hà Nội, dự báo số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội nhận định: "Ca bệnh tay chân miệng tại Thủ đô mặc dù có tăng nhưng rải rác ở nhiều nơi, không tập trung thành ổ dịch lớn nên nguy cơ tương đối thấp".
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng.
Bộ Y tế dự báo dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây. Để hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.
Những dấu hiệu cảnh báo tay chân miệng
Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, giọt bắn, vì thế, số mắc sẽ tăng lên khi trẻ mầm non đi học.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện sau:
- Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao).
- Tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).
- Một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.