PGS. TS Trần Đắc Phu.
Để làm rõ hơn về căn bệnh này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp. Vậy ông có thể cho biết về mức độ nguy hiểm và khả năng lây truyền của căn bệnh này? Liệu bệnh có khả năng bùng phát thành đại dịch như Covid-19?
PGS. TS Trần Đắc Phu: Bệnh đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Theo những nghiên cứu, đánh giá ở thời điểm hiện tại thì bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng bùng phát thành đại dịch như Covid-19. Mặc dù vậy, đậu mùa khỉ vẫn gây ra một tỷ lệ tử vong rất định. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng virus biến chủng phức tạp do vậy việc theo dõi nghiêm ngặt căn bệnh này là rất cần thiết.
Bởi vậy, sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ thì các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần chuẩn bị những biện pháp giám sát, phát hiện, phòng chống cũng như cần tăng cường năng lực điều trị…
Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra những hậu quả thế nào cho bệnh nhân và những dấu hiệu gì có thể cảnh báo người mắc bệnh, thưa ông?
- Đậu mùa khỉ có họ tương đương với đậu mùa - căn bệnh đã từng gây ra dịch bệnh lớn với số ca tử vong cao nhưng độc lực của đậu mùa khỉ nhẹ hơn. Về cơ bản triệu chứng của nó tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Mặc dù người mắc bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần với 5-21 ngày ủ bệnh trước đó nhưng căn bệnh này thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, đậu mùa khỉ cũng có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.
Ông có thể đánh giá về khả năng bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta? Theo ông, những biện pháp nào cần thiết áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập cũng như phòng, chống khi phát hiện ca bệnh?
- Bệnh đậu mùa khỉ không phải là dịch bệnh lưu hành ở nước ta nhưng nguy cơ căn bệnh này có thể xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Lý do là việc mở cửa trở lại sau Covid-19 khiến sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Đối với Việt Nam hiện nay, điều đặc biệt cần thiết là giám sát, kiểm dịch đối với những trường hợp đi từ vùng dịch về để có thể phát hiện sớm ca bệnh. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định và chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị.
Về vaccine phòng bệnh, hiện nay trên thế giới số lượng vaccine còn hạn chế, bên cạnh đó, tôi cho rằng thời điểm này Việt Nam chưa cần triển khai tiêm vaccine phòng bệnh mà tối quan trọng là nâng cao khả năng giám sát và phát hiện sớm ca bệnh, nhất là những trường hợp trở về từ vùng dịch.
Người dân cần thực hiện những biện pháp gì để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trong trường hợp có dịch tại nước ta, thưa ông?
- Những biện pháp phòng, chống đã được Bộ Y tế khuyến cáo rất rõ, bên cạnh đó, tôi cho rằng những người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Trân trọng cảm ơn ông!