Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (ảnh TTYT HBT)
Tại buổi toạ đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho biết: Ở Việt Nam, nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương nên đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm.
"Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập", GS-TS. Phan Trọng Lân nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, yếu tố thứ hai là cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.
"Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng"- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Đối với chủng biến thể phụ BA.4 và BA.5, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2 biến thế mới này lây nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2 từ 10%-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Dịch vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường nên tiêm vắc-xin sẽ giúp mọi người yên tâm hơn, được bảo vệ tốt hơn.
Tại buổi toạ đàm, TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, việc chúng ta sử dụng các biện pháp như đeo khẩu trang ở những không gian kín, rửa tay… sẽ giúp kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, chúng ta có công cụ để phát hiện và kiểm soát ca bệnh, đó chính là vắc-xin.
Theo bà Socorro Escalante, vắc-xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5. Đó chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến thể, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vắc-xin hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5-bà Socorro Escalante nhấn mạnh.
GS.TS. Phan Trọng Lân (thứ 2 từ phải qua) cùng các vị khách mời tham gia toạ đàm (ảnh Quang Thương)
Trước đó, tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin báo chí do Bộ Y tế tổ chức, PGS-TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định: Tiêm mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.
Những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%.
Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy: Những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Còn theo TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết: Các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng OMICRON.
Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.
Tại Việt Nam, thời gian qua Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế ghi nhận 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc-xin và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
"Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản", TS. Vương Ánh Dương nhấn mạnh.
Những người suy giảm miễn dịch cần tiêm liều vaccine tăng cường
Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 bao lâu thì miễn dịch suy giảm?
Biến thể BA.5 có nguy cơ lấn át biến thể cũ của chủng Omicron
Lo ngại bùng phát đợt dịch Covid-19 mới trong mùa hè vì chủng virus mới
Đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gia tăng
Nhóm trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 mắc hội chứng MIS-C thấp hơn 15 lần
Phong Châu