Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính gây ra bởi virus cúm (influenza virus). Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa thường gây nên bởi virus A, B, C, trong đó thường gặp nhất ở người là chủng cúm A và B. Cúm có thể lây lan thành đại dịch và lịch sử thế giới đã ghi nhận các đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu người.
Cúm mùa có thể lưu hành quanh năm nhưng thường tập trung vào một thời điểm nhất định tùy thuộc theo khu vực địa lý. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan ở nước ta.
Đa số trường hợp nhiễm cúm có thể tự khỏi, tuy nhiên bệnh cúm có thể diễn tiến nặng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong ở một số nhóm người có nguy cơ cao như người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính, đối tượng có hệ miễn dịch yếu, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai.
Về phương pháp điều trị, theo các chuyên gia Đại học Y Hà Nội, thông thường cúm có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên các bệnh nhân bị cúm nặng hoặc thuộc nhóm người có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Kể từ đại dịch COVID-19 xảy ra từ cuối năm 2019, tỷ lệ xuất hiện của bệnh cúm đã thấp hơn khá nhiều so với trước đại dịch. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách và vệ sinh hô hấp liên quan đến COVID-19 có thể đã có tác động đáng kể đến khả năng lây nhiễm hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo về sự giảm miễn dịch trong thời gian dài ít phơi nhiễm với cúm, và nguy cơ bệnh cúm trở lại bất thường hoặc mạnh mẽ hơn sau thời kỳ giãn cách xã hội. Nguy cơ đồng nhiễm cúm và COVID-19 cũng được quan tâm nghiên cứu.
Thời gian gần đây, sau khi các biện pháp 5K được nới lỏng, dịch cúm mùa đã trở lại khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, ngày 20.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông tin, theo số liệu thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến hết ngày 18.7, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, trong số đó có nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và thậm chí có các ca biến chứng viêm phổi suy hô hấp tiến triển.
Như vậy, có sự khác biệt gì khi bệnh cúm đã và đang trở lại trong bối cảnh khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn? Chúng ta cần lưu tâm điều gì? Những ai có nguy cơ cao cần điều trị sớm và các nguyên tắc phòng ngừa, điều trị cộng đồng cần biết là gì?
Nhận thức được sự trở lại diễn biến phức tạp của bệnh cúm mùa, Trường đại học Y Hà Nội tổ chức buổi hội thảo trực tuyến dành cho cộng đồng, chủ đề: “Sự trở lại của bệnh cúm sau đại dịch COVID-19” với sự góp mặt và tư vấn của TS.BS Vũ Quốc Đạt, Giảng viên bộ môn truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới & Can thiệp giảm hại - BV Đại học Y Hà Nội và BS CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vào lúc 18:00 tới 19:30 ngày 26.8.2022.
Hội thảo trực tuyến: “Sự trở lại của bệnh cúm sau đại dịch COVID-19”.
Chương trình sẽ được phát trực tiếp trên zoom webinar:
Link tham dự: https://roche.zoom.us/j/92259049394
Passcode: cum2022.