Số ca mắc tại Hà Nội tăng gấp 4,5 lần
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục tăng cao với 760 ca mắc, 1 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 38,9% so với tuần trước (547 ca). Bệnh nhân ghi nhận tại 29 quận/huyện, trong đó tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Bắc Từ Liêm (58), Thanh Oai (58), Đống Đa (55), Đan Phượng (50), Hà Đông (50), Thường Tín (50), Thanh Trì (41), Nam Từ Liêm (37).
Từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc SXH, 4 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (668 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 395/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, Dengue 4.
Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần, TP ghi nhận thêm 44 ổ dịch mới tại: Đống Đa (7), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Oai (6), Hà Đông (5), Hoàng Mai (4), Quốc Oai (3), Long Biên (3), Hai Bà Trưng (2), Thanh Trì (2), Tây Hồ (2), Thanh Xuân (1), Phú Xuyên (1), Gia Lâm (1), Hoài Đức (1).
Cộng dồn 2022, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện tại, còn 118 ổ dịch đang hoạt động, tại 26 quận, huyện, trong đó 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: Ổ dịch thôn Vực, Thanh Liệt, Thanh Trì (55), ổ dịch thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (56)
Dự báo mắc SXH tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Theo CDC Hà Nội, virus gây bệnh SXH có 4 chủng khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn TP trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.
CDC Hà Nội cho biết, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng.
Đặc biệt, các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả và triệt để trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch, trong đó, cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể.
Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết.
Ngoài ra, tập huấn về hoạt động phòng chống SXH Dengue tại Hà Đông, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Đống Đa, Quốc Oai. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh SXH và các biện pháp phòng, chống bệnh SXH để người dân chủ động thực hiện.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 10.423 trường hợp mắc SXH, 2 tử vong tại Đồng Nai, Lâm Đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 6,6% (9.781/3), số nhập viện tăng 5,3% (7.723/3). Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc, 87 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (48.753/19) số mắc tăng 4,3 lần; tử vong tăng 68 trường hợp. Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc và đã có trường hợp tử vong.
Diễn biến bất thường, tỷ lệ tử vong cao hơn năm trước
Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện BV (cơ sở 1 và 2) đang điều trị cho 37 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân nằm rải rác ở các khoa của BV.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thường tiếp nhận những ca SXH có diễn biến nặng từ các tuyến chuyển lên. Trung bình 1 ngày, BV tiếp nhận từ 3 - 6 ca SXH. SXH là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân SXH có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Người bệnh từ khi có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nằm điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
“Vì vậy, khi bệnh nhân đến BV, tình trạng của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào xử lý ban đầu có kịp thời hay không. Nhìn chung, những bệnh nhân được xử lý tốt trong giai đoạn ban đầu khi đến BV có các diễn biến nặng, BV có thể khắc phục được một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, có những bệnh nhân không được xử lý tốt ban đầu, đến BV trong giai đoạn sốc rất sâu, hoặc suy đa phủ tạng, khiến việc điều trị rất khó khăn” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý.
Đặc biệt, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn. Đơn cử như người loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản. Khi mắc sốt xuất huyết nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ cực kì khó khăn. Hoặc với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng nhận định, phần lớn các trường hợp SXH tử vong là do cơ địa của bệnh nhân cũng như xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền, diễn biến bệnh trầm trọng hơn. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong về SXH năm nay là một diễn biến bất thường, cao hơn hẳn so với những năm trước. Vấn đề này có thể lý giải qua nhiều khía cạnh khác nhau.
“Thứ nhất, năm nay có thể là do đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có sự thay đổi. Đặc biệt, sau một thời gian dài chống dịch Covid-19, nhiều người bị nhiễm Covid-19, miễn dịch của người dân bị thay đổi. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân SXH... Thứ 2, hiện ngành Y tế đang gặp khó khăn. Nhiều nơi, thiếu thuốc, thiếu nhân viên y tế nên điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lý giải.
Bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thăm khám, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.
Theo các chuyên gia, bệnh SXH gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay chưa có thuốc đặc trị SXH, nên chỉ có thể điều trị bằng cách kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Đặc biệt, người dân không được lạm dụng các thuốc như: Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều; không ăn uống được, chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo thì gia đình nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế.
Để điều trị bệnh kịp thời, cả nhân viên y tế và người dân cần phải chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của SXH để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương