Chiều 27/6, Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM và các đơn vị liên quan về tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại địa phương.
3 ca sốt xuất huyết tử vong sau chuyển viện
Thông tin về hoạt động điều trị, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay từ tháng 4 khi dịch có dấu hiệu gia tăng, Sở Y tế đã họp cùng các chuyên gia chống SXH của các bệnh viện (BV) về điều chỉnh phác đồ điều trị, trong bối cảnh thiếu nguồn cung ứng thuốc. Tuy nhiên, do một số thuốc thay thế không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế, nên các BV gặp khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết ngày 27/6 (Ảnh: Hoàng Lê).
Những cơ sở có trường hợp tử vong cũng được mời họp để phân tích, rút kinh nghiệm. Sở Y tế nhận định, trong các đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng có nhóm trẻ em béo phì, phụ nữ có thai. Nhóm này chưa có hướng dẫn quốc gia điều trị cụ thể. Do đó, Sở đã giao BV Bệnh Nhiệt đới chủ trì, phối hợp với các BV phụ sản, các khoa Hồi sức sơ sinh xây dựng chương điều trị riêng về chăm sóc bệnh nhân SXH là phụ nữ có thai.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng chia sẻ, sau một thời gian biến động vì dịch Covid-19 và việc luân chuyển nhân sự y tế, khiến nhiều nơi đã "quên bài" điều trị SXH, không nhận ra dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng. Từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ nặng và tử vong. Để xử lý, Sở Y tế đã phối hợp cùng 4 bệnh viện tuyến cuối tổ chức hàng loạt lớp tập huấn cho nhân viên trạm y tế, phòng mạch tư trong việc nhận diện SXH, không bỏ sót dấu hiệu bệnh nặng.
Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến tuần thứ 25, địa phương ghi nhận gần 19.000 ca mắc SXH, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần ghi nhận thêm một trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong do SXH từ đầu năm lên 10 trường hợp (tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021).
Đáng chú ý, có 3 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết tại BV đa khoa khu vực Củ Chi tử vong sau khi chuyển viện.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức họp, đánh giá nguy cơ chuyển viện không an toàn. Sở nhận định, BV đa khoa khu vực Củ Chi hiện có nhân sự chủ yếu là nhiều bác sĩ trẻ, những người lớn tuổi có kinh nghiệm hiện đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi nơi khác.
TPHCM đã có 10 trường hợp sốt xuất huyết tử vong (Ảnh: Hoàng Lê).
Sở Y tế nhận định, BV đa khoa khu vực Củ Chi có đủ máy thở, phương tiện lọc máu nên có thể điều trị được ca nặng nếu đươc tuyến trên hỗ trợ. Do đó, Sở đã giao cho BV Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ hội chẩn liên viện và vấn đề điều trị cho BV trên, tránh để xảy ra trường hợp chuyển viện khi quá nặng.
Cần nguồn kinh phí dự phòng mua sắm thuốc
Từ các thực tế trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí cho BV tuyến cuối của địa phương để làm công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các đơn vị tuyến dưới, tránh tình trạng chuyển tuyến, chuyển tuyến không an toàn.
Về thuốc điều trị, dung dịch cao phân tử Dextran 400 rất cần thiết trong điều trị sốc SXH nhưng hiện chỉ còn Thái Lan sản xuất, muốn đặt hàng phải nhiều tháng sau mới có. Do đó, Sở Y tế nhờ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ các công ty dược nhập loại thuốc trên và tạo điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngành y tế TPHCM cũng mong muốn có nguồn kinh phí dự phòng để mua sắm thuốc, dịch truyền SXH khi cần, tránh tình trạng để các công ty tự nhập và chịu thua lỗ khi không được sử dụng.
Ngành y tế TPHCM mong muốn có nguồn kinh phí dự phòng để mua sắm thuốc, dịch truyền sốt xuất huyết (Ảnh: Hoàng Lê).
Sau khi nghe Sở Y tế TPHCM và các bên liên quan báo cáo, đề xuất, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định, năm 2022 là một thách thức rất lớn với cả hệ thống y tế dự phòng lẫn hệ thống khám, chữa bệnh của khu vực phía Nam.
Bộ Y tế nhận định, SXH sẽ còn kéo dài đến tháng 10 và tháng 11, do đó cần thành lập Ban chỉ đạo từ UBND và các sở, ban ngành, phường xã để cùng nhau vào cuộc.
Về vấn đề chuyển tuyến, Thứ trưởng yêu cầu phải đảm bảo đủ các phương tiện cấp cứu, đảm bảo an toàn mới tính đến việc chuyển viện, tránh việc tăng gánh nặng cho tuyến trên. Thứ trưởng cũng đề nghị phải tổ chức họp, rút kinh nghiệm với các ca tử vong để có sự trao đổi, học tập giữa các tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu phải đảm bảo đủ các phương tiện cấp cứu an toàn mới tính đến việc chuyển viện (Ảnh: Hoàng Lê).
Với đề thuốc điều trị, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao việc dùng các thuốc thay thế, dự trữ trang thiết bị điều trị SXH của TPHCM, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng.
"Cục Quản lý Dược có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn cung ứng, không để chậm các thủ tục ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc.
Chúng ta có nhiều bài học trong chống dịch nhưng nếu làm bài bản, đúng đắn thì đều có thể vượt qua được" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.