Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Nguyễn Quang Huy vừa ký văn bản gửi tới phòng Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc nghi ngờ thuốc nhập khẩu, lưu hành trái phép .
Theo đó, Sở Y tế Thái Bình cho biết, đơn vị này nhận được công văn số của Cục Quản lý Dược về việc thuốc nghi ngờ nhập khẩu/ lưu hành trái phép.
Cụ thể, các thuốc Nexium 20mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) và Nexium 40mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) bao gồm cả thuốc Nexium có dán tem "Thuốc nhập khẩu song song, số GP: 2765/QLD-KD ngày 27/02/2013, DNNK: Công ty Cổ phần Armepharco" là thuốc không được phép nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam, mạo danh doanh nghiệp nhập khẩu.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, Sở Y tế Thái Bình có ý kiến, phòng Y tế phối hợp các phòng, ban trong UBND huyện/thành phố thông báo tới các cơ sở kinh doanh, người dân trên địa bàn biết, để không buôn bán, sử dụng và kịp thời cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng khi phát hiện thuốc có dấu hiệu trong thông báo của Cục Quản lý Dược.
2 Sở Y tế Nam Định, Thái Bình vừa cảnh báo tới người dân, cơ sở kinh doanh dược liên quan đến một số thuốc giả. Ảnh minh họa
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tăng cường công tác truyền thông thông tin tới các cơ sở kinh doanh và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc có dấu hiệu nêu trên.
Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Phòng Y tế các huyện/thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về thuốc có dấu hiệu nêu trên (nếu có) và báo cáo Thanh tra Sở Y tế, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, huyện/thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Ở một diễn biến khác, Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng phát đi thông báo liên quan thuốc giả Tetracyclin.
Theo đó, trong thông báo gửi tới các Bệnh viện trong tỉnh; các Trung tâm y tế huyện, thành phố; phòng y tế các huyện, thành phố; các công ty bán buôn thuốc trong tỉnh; các Nhà thuốc trong tỉnh, Sở Y tế Nam Định cho biết, thực hiện công văn của Cục Quản lý Dược về việc thuốc giả Tetracyclin, Sở Y tế Nam Định yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được sử dụng thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như trong thông báo của Cục Quản lý Dược.
Các công ty bán buôn thuốc thông báo thông tin này cho các quầy thuốc trực thuộc và tiến hành kiểm tra trong kho, quầy. Nếu có sản phẩm thuốc giả nêu trên thì phải khẩn trương thu hồi và báo cáo về Sở Y tế.
Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin về thuốc giả Tetracyclin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các sản phẩm trên.
Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh. Trường hợp phát hiện thuốc giả Tetracyclin nêu trên, báo cáo về Sở Y tế tỉnh Nam Định để kịp thời xử lý theo đúng quy định.
Sở Y tế Nam Định giao Thanh tra Sở, các phòng y tế huyện, thành phố kiểm tra và giám sát các đơn vị cung ứng và sử dụng thuốc trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ này.