Trong ngày 21/7, nước ta ghi nhận gần 1.300 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất trong 47 ngày qua. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số mắc duy trì ở mức trên 1.000 ca/ngày.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm, miền Bắc ghi nhận gần 7 triệu ca Covid-19. Trong đó, tháng 3 có số mắc cao nhất (gần 5 triệu ca) sau đó con số này giảm sâu, liên tục đến tháng 6 có số mắc thấp nhất. Tuy nhiên trong 2-3 tuần gần đây, số mắc có dấu hiệu tăng nhẹ dù vẫn duy trì ở mức không cao (trên dưới 4.500 ca/tuần). Khu vực trọng điểm dịch là Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Tương tự tại khu vực phía Nam, dịch có xu hướng giảm nhưng một số tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng trở lại.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hiện nay Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, với việc ghi nhận các ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5, cộng với việc tiêm vaccine còn chậm thì nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao. Trong 7 ngày vừa qua, số ca mắc tăng 21% so với tuần trước đó.
Vì thế, Thứ trưởng đề nghị các địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, triển khai nhanh việc tiêm vaccine mũi nhắc lại, tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết biến thể phụ BA.4, BA.5 lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, có nước chiếm đến 60-70% ca mắc. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện ca mắc hai biến thể phụ này. Điều này đặt chúng ta phải kiểm soát ca tăng nặng, thở máy, thở ECMO để có đáp ứng kịp thời vì số mắc có thể tăng nhẹ.
"Hiện thế giới cũng chưa có đánh giá đầy đủ về việc sau tiêm đủ 2 mũi cơ bản mà tiêm mũi 3-4 thì đáp ứng miễn dịch kéo dài bao lâu. Vì virus luôn biến đổi, xuất hiện thêm các biến thể mới nên rất khó dự báo diễn biến dịch trong thời gian tới", TS Tâm nhấn mạnh.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).
Đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt
TS Vũ Hương, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết theo dõi trong 6 tuần gần đây trên toàn cầu, có đến 5 tuần số mắc và tử vong tăng liên tục, duy nhất tuần 11-17/7 có số mắc tạm thời đi ngang. Tuy nhiên, tình trạng đi ngang này không đồng nhất trên các khu vực, đặc biệt là khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam ghi nhận số mắc tăng cao nhất trên toàn cầu.
"Như vậy, chúng ta có thể thấy đại dịch chưa chấm dứt. Ngày 12/7, Hội đồng các vấn đề khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu đã họp và khẳng định lại Covid-19 vẫn là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu", TS Hương nói.
Theo ông, Việt Nam cũng nằm trong diễn biến chung của toàn cầu. Đó là vấn đề nổi trội của biến thể BA.4 và BA.5, đặc biệt là BA.5. Theo thông tin cập nhật, có đến 50% ca mắc do BA.5, 14% là BA.4.
Chiến lược phát hiện, xét nghiệm đặc biệt là hệ thống giám sát phát hiện Covid-19 hiện nay thay đổi. Hầu hết các nước đều giảm cường độ, tần suất đặc biệt là khâu xét nghiệm. Vì thế, con số có thể không đại diện cho thực tế.
"Đây là điều chúng ta cần lưu ý để nhận định tình hình dịch. Về vaccine, chúng ta có quyền tự hào Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng không phải không có khó khăn, đặc biệt với sự xuất hiện biến chủng của Omicron, các biến thể phụ mới BA.4, BA.5 có khả năng thoát miễn dịch", TS Hương phân tích.
Chuyên gia WHO nhấn mạnh một trong những can thiệp cực kỳ quan trọng liên quan đến vaccine là triển khai nhanh những liều tiêm nhắc. Bộ Y tế, địa phương cần đặc biệt chú trọng việc tiêm nhắc trong giai đoạn hiện tại để đối phó với làn sóng lây nhiễm của BA.4 và BA.5.
Khi báo cáo về tỷ lệ tiêm hằng ngày, các địa phương nên phân tích đầy đủ số liệu tiêm nhắc mũi 1, mũi 2 tập trung vào nhóm nguy cơ. Nếu chưa đạt được tỷ lệ mong muốn ở nhóm này thì các đơn vị cần tập trung nguồn lực để tiêm. Lý do đây là đối tượng đe dọa nhập viện và tử vong lớn nhất khi mắc Covid-19.