Số ca bệnh cúm A tại Hà Nội tăng nhanh bất thường trong những ngày gần đây.
Tại Khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) trong 2 tuần vừa qua tiếp nhận 40-50 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca còn phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Ngoài viêm phổi, suy hô hấp, một biến chứng nguy hiểm khác cũng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây, đó là viêm não sau khi mắc cúm.
Trẻ nhập viện do mắc cúm A.
Một số trường hợp sau khi mắc cúm 3-5 ngày có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương, như trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, co giật…
Không chỉ có trẻ em, mà cả người lớn mắc cúm phải nhập viện cũng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm vi rút cúm, trong đó có cả phụ nữ mang thai.
Đa số các bệnh nhân đến khám có biểu hiện nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng: Sốt cao, đau mỏi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí viêm phổi.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trường Khoa Nhi, BV Bạch Mai đưa ra các dấu hiệu nhận biết cúm A ở trẻ:
- Ít khi gây sốt. Trường hợp gây sốt thì sốt không cao, kéo dài 1-2 ngày.
- Bên cạnh đó, cúm A thường gây nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, kéo dài 1-2 ngày.
- Đặc biệt, cúm A thường gây khó chịu ở ngực, ho ở mức độ nhẹ, trung bình và ho khan.
- Hầu hết các trường hợp cúm mùa phải nhập viện là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ có cơ địa đặc biệt, sốt cao không hạ, co giật. Một số có bệnh lý kèm theo như viêm phổi, viêm phế quản, bệnh tim mạch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch...
Cha mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu bệnh cúm A trở nặng dưới đây để đưa con đi bệnh viện kịp thời:
- Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Co giật.
- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.
- Trẻ khó thở, thở nhanh.
Với những trường hợp còn lại chỉ cần điều trị triệu chứng vào theo dõi.
Hiện tại, tiêm vắc-xin phòng dịch cúm A là chìa khóa đơn giản, an toàn và tiết kiệm nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng nặng và nguy cơ lây lan cho những người xung quanh.
Cùng với việc tiêm phòng, các bác sĩ cũng khuyến cáo về biện pháp chăm sóc trẻ thường ngày để tăng sức đề kháng, đó là cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ. Khi trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng hơn với các món ăn như: cháo, sữa…
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/so-ca-mac-cum-a-o-ha-noi-tang-ot-bien-dich-bung-phat-trai-mua-137903...