Theo Bộ Y tế , vừa qua, số mắc Covid-19 vẫn tăng ở một số khu vực trên thế giới. Đồng thời, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn tiếp tục ghi nhận tại các quốc gia trên thế giới như bệnh bại liệt (chủng hoang dại) tại khu vực châu Phi và Địa Trung Hải, bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại 33 nước (thời điểm cuối tháng 6.2022). Trong khi đó, b ệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng hơn đến các quốc gia.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa... được quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25.6.2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế.
Cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống phối hợp ngay tại cửa khẩu.
Liên tục trong các tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị các cơ sở tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Khi phát hiện ca nghi ngờ thì báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chẩn đoán xác định ca bệnh.
Các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát , xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
(Bộ Y tế)