Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với hệ thống xét nghiệm hiện đại, sẵn sàng các tình huống dịch bệnh. Ảnh: PV
Sẵn sàng tình huống có ca bệnh đầu tiên
Tính đến ngày 4/8, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, hiện dịch đang bùng phát ở nhiều quốc gia, nguy cơ dịch xâm nhập vào trong nước là rất có thể. Để sẵn sàng cho việc giám sát ca bệnh, giám sát nguy cơ, các cơ sở y tế đã được phân công cũng đã chuẩn bị các tình huống ứng phó.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, công tác giám sát ca bệnh, xét nghiệm phát hiện với bệnh đậu mùa khỉ đã được chuẩn bị sẵn sàng.
TS.BS Văn Đình Tráng, Trưởng khoa Vi sinh và Sinh học Phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh viện đã có sự chuẩn bị trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Cụ thể, tình huống sau khi bác sĩ lâm sàng có chỉ định về việc nghi ngờ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, chúng tôi sẽ lấy bệnh phẩm ở vùng tổn thương là nốt phỏng ngoài da của người bệnh để xét nghiệm khẳng định. Một số loại bệnh phẩm khác cũng được lấy gồm máu, bệnh phẩm đường hô hấp để làm các xét nghiệm khác nhau, từ sinh học phân tử đến những xét nghiệm thông thường”.
Theo TS.BS Văn Đình Tráng, với dịch tổn thương ở vùng da, các bác sĩ sẽ tách chiết vật liệu di truyền ở người bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Sau đó, mẫu này sẽ được nhân lên để phát hiện đoạn gene đặc hiệu của đậu mùa khỉ, từ đó xác định chính xác ca bệnh.
“Với virus gây bệnh đậu mùa khỉ, ngoài lấy mẫu phát hiện như hướng dẫn của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng sẽ thực hiện các thao tác tại phòng thí nghiệm như: Tách chiết vật liệu di truyền, các phương pháp sinh học phân tử. Tuy nhiên, điểm khác biệt của bệnh đậu mùa khỉ là việc xét nghiệm sẽ yêu cầu bộ mồi thiết kế riêng nhằm phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ”, TS. BS Văn Đình Tráng cho biết.
Theo đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đặt các bộ mồi đặc hiệu ở công ty nước ngoài, cùng với việc chờ đợi cung ứng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho việc xét nghiệm khẳng định, đồng thời cũng so sánh phương pháp này với các phương pháp thường quy.
“Hiện phương pháp sinh học phân tử là tiêu chuẩn khá đặc hiệu để chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như: Làm giải phẫu bệnh, xét nghiệm bổ trợ như sinh hóa huyết học… Tuy nhiên, phương pháp sinh học phân tử nhanh và đặc hiệu hơn trong chẩn đoán xác định ca bệnh”, TS.BS Văn Đình Tráng cho biết.
Tăng cường giám sát ca bệnh
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trường hợp nào nghi ngờ hoặc được khẳng định mắc đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, ở các quốc gia xung quanh Việt Nam đã có ghi nhận ca bệnh; vì thế nguy cơ dịch xâm nhập vào trong nước là hiện hữu. Vì vậy, với những trường hợp có yếu tố dịch tễ như: Đi/đến/về từ nơi có dịch kèm theo các dấu hiệu như: Sốt, đau đầu, sưng hạch ngoại vi… có dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, cần phải theo dõi và giám sát ca bệnh.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, những ca đầu tiên mắc đậu mùa khỉ sẽ được đưa vào cách ly tại cơ sở y tế. Cơ sở y tế cũng là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên, chứ không phải là ở sân bay. Do Việt Nam chưa có mồi để chẩn đoán xác định ca bệnh đậu mùa khỉ, vì vậy, trước mắt sẽ tiến hành giám sát, theo dõi biểu hiện lâm sàng kết hợp với yếu tố dịch tễ để nhận định ca bệnh.
Vừa qua, WHO đã nâng mức cảnh báo với bệnh đậu mùa khỉ, giúp người dân có thêm kiến thức phòng bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, người dân không vì thế mà quá hoang mang, nếu hoang mang thì công tác phòng chống dịch bệnh có thể khó khăn, phức tạp như bài học ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19.
Theo đó, trong những tình huống phòng chống dịch đậu mùa khỉ, người dân nên bình tĩnh; khi phát hiện ca bệnh hay thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần bình tĩnh, tự cách ly, báo với các cơ sở y tế gần nhất để có hướng dẫn, can thiệp kịp thời. Đặc biệt các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không tự tìm hiểu thông tin để tự đi mua thuốc, tự đi làm xét nghiệm; nhất là với các thông tin không tích cực có thể làm ảnh hưởng đến phòng chống dịch trong cộng đồng.
Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, người dân không nên tiếp xúc, hoặc giết mổ những động vật không rõ nguồn gốc; những động vật ốm, chết. Người dân có thể phòng bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người bằng cách hạn chế tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ hoặc được khẳng định mắc đậu mùa khỉ; hạn chế tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng có chứa virus của người nghi ngờ mắc bệnh. Đậu mùa khỉ cũng lây qua giọt bắn đường hô hấp nên việc đeo khẩu trang thường xuyên, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn cũng là biện pháp giúp phòng bệnh.