Bộ Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nội chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 13 đến 19/6), trên địa bàn TP có thêm 12 trường hợp mắc sốt xuất huyết, ghi nhận tại 10 quận, huyện: Đống Đa, Thường Tín, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm.
Tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hà Nội có 100 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 63 ca so với cùng kỳ năm ngoái); không có ca tử vong. Song, không chủ quan với dịch sốt xuất huyết có thể quay trở lại theo chu kỳ, nhiều cơ sở y tế đã chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ số thuốc, nhân lực… chủ động phòng, chống dịch.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, đến nay, đã tiếp nhận 17 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 5 người phải nhập viện điều trị nội trú. Do được điều trị kịp thời nên chưa có trường hợp nào nặng và xuất hiện các biến chứng. Bác sĩ Chu Đình Năng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Anh thông tin, hiện việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết chưa gặp nhiều khó khăn. Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Do đó, quan trọng nhất là bệnh nhân được chẩn đoán chính xác và theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có những chỉ định, can thiệp kịp thời.
Triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh thường xảy ra trong mùa hè, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Mỹ Đức đã tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung - TTYT huyện Mỹ Đức cho biết, TTYT huyện đã tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Đặc biệt, công tác giám sát chủ động phát hiện dịch bệnh tại cộng đồng, tại các ổ dịch cũ nhằm xử lý kịp thời không để lây lan dịch ra cộng đồng. TTYT huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tham mưu UBND xã, thị trấn tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đợt I với 46.862/47.851 hộ gia đình và 424/425 khu vực công cộng được kiểm tra. Trong đó, số dụng cụ chứa nước được xử lý như lật úp, phá bỏ… là 77.952 dụng cụ, trong đó dụng cụ chứa nước có bọ gậy là 5.693 dụng cụ. TTYT huyện đã huy động được 190 người tham gia chiến dịch là cán bộ y tế; 424 cộng tác viên; 729 người tham gia các lực lượng khác (gồm người dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh…). Tổ chức phun hóa chất tại ổ dịch sốt xuất huyết và tại xã có nguy cơ cao qua giám sát các chỉ số về côn trùng.
Trong khi đó, chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết của quận Long Biên đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của người dân, các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Qua đó, trong đợt 1 toàn quận đã huy động 3.351 người tham gia; kiểm tra 677/677 khu vực đạt 100%. Số hộ gia đình được kiểm tra là 84.649/86.198 hộ, đạt 98,2%; kiểm tra 119.673 dụng cụ chứa nước, xử lý 3.518/3.518 dụng cụ chứa nước có bọ gậy; cấp phát 22.571 tờ rơi đến các hộ gia đình; chỉ số BI giảm từ 13,1 trước chiến dịch xuống còn 5,2 sau chiến dịch.
Tuyên truyền, cấp phát tờ rơi hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết đến hộ gia đình.
Thời gian tới, TTYT quận tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai chiến dịch tại những khu vực trọng điểm, khu vực có ca bệnh và triển khai các đợt cao điểm vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trong mùa dịch, đảm bảo thực hiện mục tiêu “Không có bọ gậy - không có sốt xuất huyết!”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết đang xảy ra tại các tỉnh phía Nam, không để bị động, Hà Nội đã và đang chủ động giải pháp phòng, chống, quyết tâm tránh lặp lại chu kỳ dịch 5 năm quay trở lại.
Không quyết liệt phòng chống, dịch có thể bùng phát diện rộng
Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời, triển khai mạnh mẽ hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở; quận, huyện, thị xã cùng toàn thể tầng lớp Nhân dân nghiêm túc thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 7/1/2022 về phòng, chống dịch bệnh năm 2022 của UBND TP.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị rà soát, kiện toàn lại thành phần, địa bàn phụ trách của các đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết để “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”. Các đơn vị, cơ sở tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân nhưng cũng kiên quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác triển khai hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
“Sở Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt hoạt động chuyên môn về kiểm tra, giám sát, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời đối với ổ dịch, ca bệnh. Tại các cơ sở y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư trang thiết bị, dịch truyền phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Hướng dẫn người dân diệt bọ gậy tại chậu cảnh có đọng nước ngoài trời của hộ gia đình.
Theo Bộ Y tế, qua thống kê từ các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 52.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 74,9%, số ca tử vong tăng 24 trường hợp. Trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, TP khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao.
Bộ Y tế dự báo, thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm mùa dịch do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển; nguy cơ sốt xuất huyết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh rất lớn.
Phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại Hà Nội.
Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó, truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Người dân thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Người dân cần có ý thức loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Mỗi người nên ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn, người dân khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Đặc biệt, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết.