Trang Chủ > Sức khỏe > Quảng Ngãi: Nhiều cơ sở y tế nợ chồng chất

Quảng Ngãi: Nhiều cơ sở y tế nợ chồng chất

Kiến Thức
27/09/2022 09:56:15

Bệnh viện thành chủ nợ... lẫn con nợ

Hàng loạt tuyến y tế cơ sở công lập tại tỉnh Quảng Ngãi đang rơi vào tình cảnh thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân là người dân trong tỉnh. Nguyên nhân là do các đơn vị y tế không còn tiền mua thuốc, vật tư y tế.

Quảng Ngãi: Nhiều cơ sở y tế nợ chồng chất-1

Nhiều cơ sở y tế công lập tại Quảng Ngãi đang rơi vào cảnh nợ đầm đìa và không có tiền mua thuốc để điều trị cho người dân.

BS Đặng Văn Điểm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tư Nghĩa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến y tế tuyến cơ sở gặp khó khăn trong thời gian qua như dịch bệnh, quy chế tự chủ...

"Nhưng có một nguyên nhân chúng tôi xem như nút thắt cuối cùng có thể “bóp chết” y tế tuyến cơ sở là việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhưng quy định này chưa phù hợp và chưa phản ảnh đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Từ năm 2018 đến nay BHXH Việt Nam chưa chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trung tâm nên khó càng thêm khó.

Hệ lụy là năm 2018, Trung tâm chi vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh 4,3 tỷ đồng, năm 2019 vượt 7,6 tỷ đồng, năm 2020 là 4,6 tỷ đồng. Dù đơn vị có nhiều giải trình nhưng đến giờ vẫn chưa được thanh toán số tiền 16,5 tỷ đồng. Không được chi trả nguồn kinh phí nên đơn vị không có tiền để trả lương và chế độ chính sách khác cho nhân viên.

Đối với việc mua thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân khó khăn gấp bội, bởi hiện giờ Trung tâm đang nợ các đơn vị cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế khoảng 15 tỷ đồng và nợ chính sách tiền lương nhiều tỷ đồng.

Để đảm bảo hoạt động, nhiều lúc chúng tôi phải “xin” nhân viên được trả nửa tháng lương, phần còn lại để mua thuốc khám chữa bệnh”, BS Điểm chua chát.

Không riêng gì Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa mà nhiều đơn vị y tế tuyến cơ sở khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tự chủ tài chính 100% cũng đang rơi vào tình trạng nợ đầm đìa và không có tiền mua sắm vật tư phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.

BS Võ Thanh Tân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sơn Tịnh cho biết, năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định 449 về đề án tự chủ và đơn vị được giao tự chủ 100%. Trong khi y tế tuyến huyện là y tế cơ sở, đảm nhiệm các nhiệm vụ cộng đồng nên phải sử dụng rất nhiều khoản chi. Điều này dẫn đến nguồn tiền chi thường xuyên không đảm bảo, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần và nhà cung ứng thuốc không bán thuốc cho đơn vị vì còn mắc nợ trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, số tiền Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi chưa thanh toán cho các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh từ năm 2018 đến nay lên tới 127 tỷ đồng và khoản nợ của các trung tâm y tế đối với nhà cung ứng thuốc, tiền lương nhân viên cũng tương ứng số tiền trên.

Như vậy, các trung tâm y tế công lập tại Quảng Ngãi đang trở thành chủ nợ lẫn... con nợ.

Quảng Ngãi: Nhiều cơ sở y tế nợ chồng chất-2

Thiếu thuốc điều trị cho người bệnh nên cả người dân và các y bác sỹ đều thấy "khó" .

Bác sỹ điều trị cầm chừng vì thiếu thuốc

Do dư nợ mua sắm trang thiết bị y tế quá lớn nên nhiều đơn vị cung ứng thuốc cho các trung tâm y tế chỉ cung ứng cầm chừng. Thậm chí một số nhà cung ứng “cắt” luôn việc giao thuốc dẫn đến tình trạng các trung tâm y tế rơi vào cảnh thiếu thuốc điều trị.

Mắc bệnh huyết áp cao nên ông Lê Tiếng, trú xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ phải thường xuyên đến Trạm Y tế xã Phổ Thuận, để khám và nhận thuốc điều trị. Thế nhưng, 3 tháng nay ông Tiếng không thể nhận được thuốc về nhà dùng mỗi ngày, dù có bảo hiểm y tế chi trả. Nguyên nhân là do trạm y tế không có đủ thuốc để cấp.

“Trạm y tế thiếu thuốc nên người dân như chúng tôi phải mua thuốc từ các quầy thuốc tây bên ngoài hoặc đến thăm khám tại các bệnh viện tuyến trên. Người trẻ đi lại dễ dàng, còn già cả như chúng tôi, lại bệnh tình nên đi lại rất vất vả”, ông Tiếng nói.

Không riêng gì Trạm y tế xã Phổ Thuận mà nhiều trạm y tế khác trên địa bàn thị xã Đức Phổ cũng rơi vào tình cảnh thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Đa phần các trạm y tế khi giao thuốc cho người bệnh phải giao thuốc… cầm chừng đối với những bệnh chính, còn các loại thuốc hỗ trợ, thuốc bổ thì hầu như thiếu rất nhiều nên phải cắt bớt. Thậm chí, phải kê toa để bệnh nhân ra các quầy thuốc tây mua về sử dụng. Đối với những bệnh nhân có bệnh diễn tiến nặng, các trạm y tế phải hướng dẫn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

BS Nguyễn Văn Diệp, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đặng Thùy Trâm, thị xã Đức Phổ cho biết: "Hiện tại bệnh viện cũng như các trạm y tế xã đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Đến giờ, bệnh viện thiếu tiền, nợ tiền thuốc của năm 2021 nên các công ty thuốc không chịu bán. Một số thì phải năn nỉ khi có nguồn hỗ trợ sẽ trả thì họ bán nhưng đơn vị cung ứng chỉ bán rất nhỏ giọt".

Trong khi đó, tại Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và thận nhân tạo - Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, nơi đang điều trị các bệnh nhân nặng và chạy thận nhân tạo, tình cảnh người bệnh càng bi đát hơn. Bởi tại một số thời điểm đơn vị này không còn thuốc, hóa chất để điều trị cho người bệnh nên Trung tâm không dám tiếp nhận bệnh nhân nặng.

Bác sĩ Lê Quang Hận, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa cho biết, hiện tại, thuốc phục vụ cho hồi sức, cấp cứu cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% theo nhu cầu sử dụng, còn các loại thuốc hỗ trợ điều trị thì rất ít, thậm chí không có.

“Thiếu thuốc, chúng tôi rất khó khăn trong vấn đề điều trị kể cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo cũng như bệnh nhân khoa hồi sức tích cực. Một số ca bệnh lẽ ra trung tâm điều trị được, nhưng vì thiếu thuốc nên phải chuyển bệnh nhân đi.

Và có một số bệnh nhân mình có thể nhận thêm để chạy thận nhân tạo nhưng vì thiếu thuốc nên không thể nhận tiếp nhận. Nhìn người bệnh rời lên tuyến trên trong tình trạng mệt mỏi mà xót ruột”, BS Hận chia sẻ.

Lý giải cho việc thiếu thuốc, các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện tại tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, do không có kinh phí để mua. Nhiều đơn vị còn đang nợ cả chục tỷ đồng tiền thuốc của các công ty cung ứng thuốc nên bị cắt nguồn cung.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đức, năm 2022, ngành y tế tỉnh đã đấu thầu xong 3 gói thầu thuốc với kinh phí 500 tỷ đồng để cấp về các trung tâm y tế tuyến huyện. Tuy nhiên, các trung tâm y tế không có kinh phí để mua vì hiện nay nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn về nguồn thu khi tự chủ 100%, dẫn tới thu không đủ bù chi và Bảo hiểm xã hội cũng chưa thanh, quyết toán kinh phí trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế của các năm trước.

“Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội rà soát lại, giải trình các khoản chi mà Bảo hiểm xã hội chưa thanh toán.

Song song với đó là làm việc với các nhà cung ứng thuốc có sự chia sẻ để họ tiếp tục cung ứng thuốc”, ông Đức cho hay.